Hiếm có quán nào yên tĩnh bằng “Thời Thanh Xuân” (số 9, đường Triệu Việt Vương, Đà Lạt) vì đội ngũ làm bếp, nướng bánh, pha trà đều câm điếc, chỉ trao đổi với nhau bằng ký hiệu hình thể. Khách đến xem các dòng hướng dẫn viết rõ ràng bằng phấn, bằng sơn hoặc hình vẽ dễ hiểu, đặt ở nhiều góc quán, gắn trên tường, và cần gì thì cứ lấy giấy bút trên bàn ghi ra.
Tấm bảng đen dựng bên tường quán có những dòng chữ viết bằng phấn trắng: “Bạn ơi, quán trà Thời thanh xuân của chúng mình không có giá tiền cho trà. Phía trước căn bếp nhà có một chiếc thùng gỗ, tùy vào sự hài lòng và hạnh phúc khi ở đây mà bạn để vào nhé!”. Quán chỉ bán những sản phẩm handmade như tinh dầu, xà phòng, đồ trang sức, vật dụng nhỏ xinh, chậu cây cảnh, vài món mứt làm từ vỏ bưởi, khoai, chuối, hoa Atisô ... do người điếc tự sản xuất.
Tháng 3/2018 Quán mở Quầy rau sạch, bày hàng chục loại rau quả tươi mọng ngon lành trước hiên. Trong rổ có mảnh bìa cứng viết: “Bán rau tử tế, bạn tự lấy rau và tự bỏ tiền vào thùng nhé”, “Rau tự nhiên, bạn tự chọn rau và để tiền vào thùng gỗ. Chúng mình cùng ăn rau sạch nhé!”.
Sau gần nửa năm, Quầy rau tử tế ổn định nguồn thu, Quán mở tiếp quầy Hoa tử tế.
Ngày 20/1/2019 trao đổi với phóng viên Tiền Phong, anh Võ Thành Luân (31 tuổi) người điều hành Quán cho biết: Cả 2 Quầy rau tử tế, Hoa tử tế đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ cũng rất tử tế của khá nhiều du khách trong, ngoài nước, nên thu nhập cả 2 quầy đến nay đã ổn định, bảo đảm có lãi. Vì vậy, sắp tới Quán sẽ mở thêm Quầy xà bông tử tế. Hiện toàn bộ máy móc để sản xuất xà bông đã được mua về và lắp đặt, kỹ thuật và công nghệ do các chuyên gia trong ngoài nước tình nguyện hướng dẫn, chuyển giao đã xong.
Với 31 thành viên làm việc tại quán, xưởng chế biến xà bông, nhà farm chuyên chiết xuất tinh dầu đồng thời là nơi đi về, để các thành viên rèn luyện, học hành, anh Luân đã thành lập Công ty “Nhà của Thời Thanh Xuân” chuyên sản xuất các dự án dành cho người yếu thế. Dự kiến giữa năm 2019, Công ty sẽ mở thêm dự án cho người mù, nâng cấp hàng handmade thành hàng hóa quy chuẩn với sự hỗ trợ của các chuyên gia.
Với quan điểm người yếu thế cũng cần đối xử bình đẳng, công bằng, anh Luân chủ trương không nhận giúp đỡ bằng tiền, mà chỉ nhận sự hỗ trợ công nghệ, tri thức, để giúp các bạn trẻ mù, câm điếc tự tin lao động, vui sống như những người bình thường khác trong xã hội.