Chiến sự, nghèo đói là nguyên nhân hàng đầu khiến cho hàng trăm nghìn người ở các nước Nam Sahara thuộc châu Phi và Trung Đông tháo chạy khỏi quê hương để tìm đường sống. Trong hành trình đó, Địa Trung Hải đã trở thành tuyến đường chính với điểm đến là Italy, cửa ngõ để vào châu Âu. Theo số liệu của Liên minh châu Âu (EU), trong số 283.000 người nhập cư trái phép bị bắt khi vào EU trong năm 2014, có tới hơn 220.000 người địa qua biển Địa Trung Hải.
Gánh nặng người nhập cư tại châu Âu đã trở nên quá tải khi chiến sự leo thang dữ dội tại Trung Đông. Chỉ riêng trong hai tháng đầu năm 2015, số người nhập cư đã tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình này, EU đã vội vã đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn dòng người nhập cư, thông qua các biện pháp mạnh như sử dụng lực lượng quân sự, chặn bắt và cưỡng bức hồi hương những người nhập cư trái phép. Tuy nhiên, liệu đây có phải là biện pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng này.
Những người nhập cư với giấc mộng đổi đời sẵn sàng đánh đổi tất cả, kể cả mạo hiểm mạng sống để đạt được ước mơ. Đối với họ, hy vọng về một miền đất hứa vẫn đáng để liều mạng hơn là chấp nhận một thực tại ảm đạm ở quê hương mà không tìm thấy lối thoát.
Chính vì lý do đó, việc châu Âu sử dụng các biện pháp cứng rắn sẽ khó mà ngăn chặn dòng người nhập cư nếu không nói những thuyền nhân này sẽ sẵn sàng chọn lựa những hành trình rủi ro hơn để thực hiện giấc mơ của mình.
Rõ ràng, EU đang quá sức. Giải pháp khả thi nhất hiện nay là sự vào cuộc của Liên hợp quốc (LHQ). Với vai trò và khả năng điều phối các vấn đề mang tính toàn cầu, chỉ có LHQ mới có thể giải quyết tận cùng các vấn đề, từ trung gian hòa giải các cuộc chiến, đến điều phối các hoạt động nhân đạo để cứu trợ những dòng người nạn nhân của chiến tranh và nghèo đói.
Người nhập cư vào châu Âu không chỉ là vấn đề của lục địa già này nữa mà là vấn đề toàn cầu. Chừng nào vẫn còn chiến sự và nghèo đói, chừng đó vẫn còn người chấp nhận hiểm nguy để ra đi.