Quá tải bể bơi, bỏ mặc chất lượng nước

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Tại Hà Nội, nhiều bể bơi không hạn chế số lượng khách, ít quan tâm quy định vệ sinh nên nước bể bơi có nguy cơ nhiễm khuẩn.

Quá tải, ngâm nước rồi về

Hà Nội có khoảng 130 bể bơi. Những ngày nắng nóng, các bể bơi rơi vào tình trạng quá tải.

Chiều 1/6, tại bể bơi ở quận Thanh Xuân, người đến bơi đông nghịt, bể bơi sực mùi nước tẩy Clo. Khu vực bể bơi dành cho trẻ em ken dày dăm cháu/m2. Chị Nguyễn Lan (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) cho biết, thường xuyên cho con đến bể bơi vừa tập bơi vừa tránh nóng. “Khoảng 2 tuần gần đây, trời nắng nóng khiến lượng người dồn về bể bơi tăng cao, nhiều khi không bơi được, đành ngâm nước rồi về”- chị Xuân nói.

Tại bể bơi Thủy Lợi (Chùa Bộc, Đống Đa), một nhân viên bán vé cho hay, đợt nắng nóng này, mỗi ngày bể bán ra hàng trăm vé. Do lượng khách quá đông nên phải chia theo ca, mỗi ca khách bơi 45 phút, nhân viên làm vệ sinh 15 phút sau đó cho lượt khách tiếp theo vào, mỗi lượt chừng hơn 100 khách.

Theo quy định của Bộ VH, TT&DL, mật độ người bơi ở khu vực có độ sâu dưới 1m là 1 người/m2; nơi có độ sâu từ 1m trở lên là 1 người/2m2. Ban quản lý bể bơi phải tổ chức nhỏ thuốc mắt, mũi, lau khô tai cho những người tham gia. Tuy nhiên, theo quan sát của PV Tiền Phong, tất cả quy định này đều không được thực hiện. Một số trẻ nhỏ tắm tráng nhưng chưa ướt hết người đã nhảy ùm xuống bể bơi, thậm chí có em bé còn vô tư đi vệ sinh trong bể bơi.

Khó bảo đảm chất lượng nước

Anh Lê Tuấn (Khương Mai, Thanh Xuân) kể, sau khi đi bơi ở bể bơi Thủy Lợi, toàn thân anh bị ngứa, nổi mẩn đỏ. Bác sĩ cho biết, anh bị dị ứng với nước bể bơi, phải điều trị bằng thuốc và không được đi bơi tiếp. Tại nhiều bể bơi khác, khách cũng phàn nàn rằng, chỉ cần đi đều tuần vài buổi là tóc xơ xác, da dẻ chân tay thô ráp, thậm chí ngứa, bong tróc.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), những bể bơi công cộng ngoài bụi bẩn, vi trùng, còn chứa một lượng lớn chất thải từ người đi bơi, gồm mồ hôi, mỹ phẩm, kem chống nắng, thậm chí cả nước tiểu, nước bọt. Nguy hiểm hơn, để tiết kiệm, nhiều nơi thậm chí sử dụng hóa chất rởm hoặc độc hại. Các hóa chất thường được sử dụng để diệt khuẩn, làm xanh nước bể bơi là cloramin B, clo, sunfat đồng… Đây đều là những chất có thể ảnh hưởng sức khỏe con người nếu không được sử dụng đúng liều lượng. Theo ông Thịnh, các bể bơi cần trang bị thêm một hệ thống lọc nước nhưng quá trình này cần nhiều thời gian. Vào mùa hè, bể bơi làm việc hết công suất từ sáng sớm đến tối, nên rất khó đảm bảo chất lượng nước.

PV Tiền Phong liên hệ với đơn vị phụ trách là Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Tuy nhiên, đại diện Trung tâm cho biết, Ban giám đốc đang đi công tác, sẽ trả lời về kết quả kiểm tra chất lượng nước bể bơi sau khi lãnh đạo về.

MỚI - NÓNG