Qua nút giao thông hết 1 giờ, xử lý 26 'điểm đen' ùn tắc

Giao thông trên đường Nguyễn Trãi thường tê liệt vào giờ cao điểm Ảnh: A.Trọng
Giao thông trên đường Nguyễn Trãi thường tê liệt vào giờ cao điểm Ảnh: A.Trọng
TP - Những ngày cuối năm giao thông Hà Nội trở nên ngột ngạt bởi tình trạng ùn tắc kéo dài. Để tập trung giải quyết tình trạng ùn tắc, liên ngành Hà Nội vừa khảo sát và công bố danh sách 26 điểm tắc nhất ở Thủ đô.

Qua nút giao thông hết 1 giờ

Những ngày cuối năm, để qua được nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi người dân đã mất gần 1 giờ đồng hồ. Trong khi nút giao thông này được đánh giá là hiện đại nhất Hà Nội với 4 tầng đường (đường sắt đô thị, đường trên cao, đường đi bằng, hầm chui).

Trong một lần khảo sát tình trạng ùn tắc tại đây, chúng tôi ghi nhận, cùng với mật độ phương tiện tăng cao, cách tổ chức đèn giao thông chưa phù hợp khiến tình trạng ùn tắc trở nên nghiêm trọng.  Trong sáng 25/1, ùn tắc trên chiều đường Nguyễn Xiển kéo dài đến tận nút cầu Dậu (khoảng 5 km), do vậy để qua được nút giao Thanh Xuân này, nhiều chủ phương tiện đã mất 1 giờ đồng hồ. Bất cập về cách tổ chức giao thông (các nút đèn) đã được cơ quan báo chí phản ánh nhiều nhưng những đơn vị có trách nhiệm như CSGT, Thanh Tra giao thông vẫn chưa lắng nghe, tiếp nhận.

Trong nhiều tuần trở lại đây, hàng loạt các tuyến đường thuộc trung tâm Hà Nội, trong đó có: Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Kim Mã - Nguyễn Thái Học, Âu Cơ - Nghi Tàm, Tây Sơn - Tôn Đức Thắng, Chùa Bộc, Trường Chinh - Minh Khai, … cũng lâm vào tình trạng ùn tắc kéo dài, giao thông “lê liệt” do phương tiện không thể nhích bánh giờ cao điểm.

35% ùn tắc do hàng rào thi công

Nhằm đưa ra cảnh báo với người dân, đồng thời tập trung lực lượng và các giải pháp xử lý tình trạng ùn tắc trên một số tuyến đường, liên ngành Hà Nội gồm GTVT - Công an thành phố vừa tiến hành khảo sát và công bố danh sách 26 điểm đang tắc nhất trên địa bàn Hà Nội trong giờ cao điểm.

Trong 26 điểm ùn tắc này, có các điểm nằm trong nội đô, như Điện Biên Phủ - Trần Phú, Nghiêm Xuyên Yêm - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Chương Dương, cầu Mai Động, Kim Mã - Liễu Giai, Liễu Giai - Đào Tấn, Nguyễn Khoái - cầu Vĩnh Tuy, La Thành - Giảng Võ, Lê Văn Lương - Vành đai 3…

Ngoài nguyên nhân ùn tắc do lượng phương tiện tăng cao, bất cập về hạ tầng giao thông, liên ngành cũng xác định, trong 26 điểm ùn tắc hiện nay có 9 điểm (khoảng 35%) là do hàng rào các công trình thi công. Có thể kể đến dự án thi công mở rộng đường Vành đai 2 chiếm 3 điểm ùn tắc, bao gồm: nút giao Minh Khai - cầu Mai Động, nút giao Thanh Nhàn - Kim Ngưu - cầu Lạc Trung, nút giao Ngã Tư Sở; dự án thi công đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chiếm 3 điểm: Đào Tấn - Nguyễn Văn Ngọc, Kim Mã - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai - Đào Tấn; dự án thi công mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm chiếm 1 điểm tại nút giao Âu Cơ - Nghi Tàm, dự án hoàn thiện đường Vành đai 3 đi dưới thấp qua hồ Linh Đàm chiếm 1 điểm tại nút giao Nghiêm Xuân Yêm (Vành đai 3) - Nguyễn Hữu Thọ; dự án hoàn thiện nút giao Vành đai 3 - cao tốc Hà Nội - Hải Phong chiếm 1 điểm tại nút giao Cổ Linh…

Đề cập đến giải pháp xử lý 26 điểm ùn tắc, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, với giải pháp cấp bách, Sở GTVT đã huy động Thanh tra giao thông phối hợp với CSGT bố trí “cắm chốt” trực tiếp lực lượng tại 26 điểm có nguy cơ ùn tắc này. Nhiệm vụ là điều tiết, hướng dẫn phân luồng giao thông và xử lý các trường hợp vi phạm trật tự, ATGT gây ùn tắc cả đêm và ngày.

Về phương án lâu dài (sau Tết), ông Vũ Văn Viện cho biết, Sở GTVT đã đưa giải pháp xử lý ùn tắc cho từng điểm. Cụ thể, với 3 điểm ùn tắc do hàng rào công trường mở rộng đường Vành đai 2, cùng với lực lượng điều tiết trực tiếp Sở GTVT đã lắp đặt thêm đèn tín hiệu, lắp đặt bổ sung cầu dàn sắt lắp ghép để giảm tải cho cầu Mai Động, Lạc Trung; tại 3 điểm ùn tắc do hàng rào dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ điều chỉnh lại hệ thống đèn tín hiệu, bổ sung các nhánh rẽ phải, yêu cầu đơn vị thi công thu hẹp hàng rào ở các vị trí đã thi công xong hoặc chưa thi công. “Lực lượng thanh tra công vụ đẩy mạnh thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm trên đường, dừng đỗ và hàng rào các công trường vi phạm giấy phép, gây ùn tắc giao thông”, ông Viện cho biết.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.