Quà bánh không an toàn tấn công trường học

Quà bánh không an toàn tấn công trường học
Không những hàng quán bên ngoài mà cả trong căng-tin, các trường vẫn bán hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Quà bánh không an toàn tấn công trường học

> 'Kẹo thuốc lá' đang đầu độc trẻ em

Không những hàng quán bên ngoài mà cả trong căng-tin, các trường vẫn bán hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Học sinh mua hàng rong trước cổng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Q.Tân Phú). Ảnh: Phi Loan
Học sinh mua hàng rong trước cổng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Q.Tân Phú). Ảnh: Phi Loan.

Có chứng nhận an toàn, vẫn vi phạm

"Về nguyên tắc, hiệu trưởng nhà trường phải là người có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra các mặt hàng ở căn-tin trường mình và phải thu hồi tất cả các sản phẩm không nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ"

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố

Trong tháng Hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (từ 15 - 4 đến 15 - 5), Sở Y tế TP.HCM tiến hành đợt kiểm tra bếp ăn, căn-tin các trường học.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, các trung tâm y tế dự phòng quận huyện phát hiện nhiều căn-tin trường học bán các loại thức ăn không rõ nguồn gốc, bánh, kẹo Trung Quốc không có nhãn phụ (nhãn tiếng Việt)…

Theo Sở Y tế TP.HCM, nếu tính từ bậc mầm non đến THPT, thành phố có hơn 1.000 căn-tin trường học. Hầu hết các căn-tin đều được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nhưng khi kiểm tra vẫn vi phạm.

Căn-tin trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (quận Tân Bình, TPHCM) tuy sạch sẽ và có giấy chứng nhận VSATTP nhưng trên quầy kệ bày bán rất nhiều loại bánh tráng, khô bò không có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ được treo lủng lẳng với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/bịch. Đây là những loại quà vặt được rất nhiều học sinh (HS) đặc biệt là lứa tuổi tiểu học và THCS rất thích.

Quà bánh ở các gánh hàng rong trước cổng trường còn phức tạp hơn. Phía trước trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm và trường THCS Đặng Trần Côn (quận Tân Phú) là nơi tập trung rất nhiều quán hàng rong với đủ loại quà vặt như bánh tráng, phá lấu, cá viên chiên, gỏi khô bò, sữa đậu nành, si-rô, trà sữa trân châu... không nhãn mác và không che đậy để đảm bảo vệ sinh. Do hai trường này gần nhau nên cứ đến giờ tan học, HS tụ tập rất đông vừa ăn hàng, vừa chờ cha mẹ đến đón.

Phía trước cổng trường THPT Ernst Thalmann (Q.1) vào buổi chiều rất đông những người bán hàng rong bán món bánh tráng trộn với đủ thứ nguyên liệu như sa tế, trứng cút, tôm khô, mỡ hành... Mặc cho đoạn đường ngã tư Trần Hưng Đạo và Nguyễn Thái Học lúc nào cũng đông đúc xe cộ, bụi bặm, từng tốp HS vẫn túm tụm lại ăn.

Bên hông cổng trường THPT Marie Curie (quận 3) phía mặt tiền đường Ngô Thời Nhiệm, khoảng 3 giờ chiều trở đi, từng tốp HS nhâm nhi gỏi khô bò, gỏi cuốn, phá lấu... Hồng, HS lớp 11, cho biết: “Mấy món này trong trường không có bán nên phải ăn ngoài này thôi”.

Cũng chính Hồng từng là nạn nhân của các món hàng rong này. “Lúc trước, sau khi ăn món phá lấu xong, tối về nhà, em bị tiêu chảy, phải nghỉ học mấy ngày liền. Nhưng sau đó, bạn bè rủ, cũng ghé ăn cho vui” - Hồng nói.

Hiệu trưởng hay chủ căng-tin chịu trách nhiệm?

Nhiều hiệu trưởng cho rằng, rất khó quản lý vì trách nhiệm thuộc về chủ căng-tin do nhà trường đã ký kết trong hợp đồng. Ông Nguyễn Nghĩa Dũng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (quận Tân Bình) khẳng định: "Rất khó để quản lý được căng-tin cho dù ở ngay trong sân trường. Ở trường tôi, phụ huynh cũng có phản ảnh về căng-tin và trường đã phân công cán bộ y tế trường trực tiếp theo dõi, kiểm tra, lập biên bản và thu hồi nhưng rồi cũng lại như cũ. Chúng tôi chỉ biết thường xuyên nhắc nhở và đợi đến hết hợp đồng thì không cho họ bán nữa".

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Trước đây, căng-tin do Công đoàn trường quản lý nhưng rắc rối quá nên giờ cho phép tư nhân bên ngoài đấu thầu. Tất cả các căng-tin và bếp ăn của các trường đều có giấy chứng nhận đạt VSATTP do Sở Y tế cấp. Sở GD-ĐT cũng thường xuyên nhắc nhở các trường về an toàn thực phẩm nhất là khu vực căng-tin trường học. Nếu xảy ra vấn đề gì, chủ căng-tin phải chịu trách nhiệm và hiệu trưởng cũng có trách nhiệm liên đới”.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, để cấp phép hoạt động căng-tin phải có giấy chứng nhận VSATTP và người sản xuất, chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức VSATTP.

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cuối cùng về hoạt động của căng-tin chứ không phải chủ căng-tin. Ông Hòa cho biết: “Những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đảm bảo VSATTP khi ăn vào mặc dù chưa xảy ra ngộ độc cấp nhưng nguy cơ ngộ độc mãn là rất cao. Về nguyên tắc, hiệu trưởng nhà trường phải là người có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra các mặt hàng ở căn-tin trường mình và phải thu hồi tất cả các sản phẩm không nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ”.

Liên quan đến quản lý hàng rong, ông Hòa cho rằng rất khó để quản lý chất lượng VSATTP ở các đối tượng này do họ thay đổi chỗ ở, chỗ bán thường xuyên nên vấn đề là phải đẩy mạnh chất lượng hàng hóa ở căn-tin để vừa đảm bảo an toàn lại đa dạng thì mới có thể chấm dứt hàng rong bên ngoài trường.

Theo Phi Loan
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG