Theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố, việc áp dụng VNEN có tác động nhất định đến cả năng lực nhận thức và phi nhận thức của học sinh. Mức độ tác động trung bình đối với môn Tiếng Việt là 0.16, môn Toán là 0.18 và với kỹ năng phi nhận thức là 0.41.
Đối với kỹ năng phi nhận thức, những học sinh tham gia VNEN cũng được cải thiện xây dựng kỹ năng ứng xử và tạo lập quan hệ. Những kỹ năng này bao gồm chịu trách nhiệm về đồ dùng cá nhân của mình, quản thời gian và giữ lời hứa.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy, có 71% cha mẹ học sinh các trường nhóm VNEN và 37% cha mẹ học sinh nhóm các trường đối chứng biết về mô hình VNEN.
Nghiên cứu khảo sát đối với 6.000 cha mẹ học sinh trong tổng số những người đã biết về mô hình VNEN (chiếm khoảng 54% trên tổng số mẫu) thì có tới 85% cha mẹ học sinh bày tỏ quan điểm ủng hộ mô hình VNEN.
Trong đó có 64% bày tỏ quan điểm rất ủng hộ và 21% bày tỏ quan điểm ủng hộ. Số liệu của nghiên cứu cũng cho thấy, chỉ có 6% trong tổng số 6.000 cha mẹ học sinh bày tỏ quan điểm không ủng hộ mô hình này. 9% giữ thái độ trung lập.
Một số liệu khác có liên quan của kết quả vừa công bố, là có tới 75% hiệu trưởng VNEN nhận thức rằng trường học truyền thống cần phải thay đổi. Trong khi đó, nhận thức về việc trường học truyền thống cần được thay đổi giảm (từ 73% xuống 63%) khi khảo sát các hiệu trưởng ở các trường không thuộc VNEN.
"Hiệu trưởng VNEN cho thấy niềm tin vào bản thân của họ ngày càng lớn khi họ được áp dụng thử mô hình" - nghiên cứu viết.
Tuy nhiên một số Hiệu trưởng tại các trường không thuộc VNEN vẫn cho rằng trường học truyền thống vẫn là phù hợp.
Cũng theo nghiên cứu này, giáo viên hiểu rõ về lí thuyết và tư duy của VNEN (ví dụ như việc khuyến khích để học sinh biết vấn đáp quan trọng hơn việc giáo viên cần thuyết giảng giỏi).
Tuy nhiên việc thực hiện một số hoạt động còn khá khó khăn đối với giáo viên. Ví dụ, giáo viên cảm thấy khó khăn trong việc chấp nhận rằng học sinh học nên thông qua việc mắc lỗi, thay vì nói trước để tránh các em mắc lỗi.
Trung bình, độ tuổi của giáo viên trong mẫu nghiên cứu này là khoảng 40 tuổi, và có sự tương đồng về độ tuổi giữa các trường thuộc nhóm đối chứng và các trường thuộc nhóm VNEN. Hơn một nửa số giáo viên (GV) có bằng đại học hoặc cao đẳng, và họ đã có 18 năm kinh nghiệm giảng dạy, với thâm niên công tác khoảng 11 đến 12 năm trong các trường thuộc mẫu. Khoảng một phần năm số GV trong các tỉnh thuộc Nhóm ưu tiên 1 là người dân tộc thiểu số.
“Mức lương của GV gần bằng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam, điều này cho thấy rằng GV không giàu cũng không nghèo. Các trường thuộc nhóm VNEN và các trường thuộc nhóm đối chứng có sự đánh giá tương đồng về mức độ hài lòng trong công việc, với nhiều GV của VNEN nhận được giải giáo viên dạy giỏi ở cấp tỉnh hơn”- kết quả chỉ rõ.