Ô tô đỗ cả ngày có mức phí 120.000 đồng
Trước việc nhiều xe ô tô đỗ trên đường, nhất là trước trụ sở các cơ quan hành chính nhiều giờ, có nơi cả buổi nhưng chỉ trả phí 1 lượt, thậm chí không trả phí, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có yêu cầu các sở ngành liên quan cần rà soát lại hệ thống các điểm đỗ xe trên đường hiện nay. Cùng với đó lên phương án lập các cây tính phí đỗ xe tự động theo giờ để thu tiền chủ nhân.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội - cơ quan được giao lập phương án, việc thu phí đỗ ô tô theo giờ đã được thực hiện trên địa bàn thành phố từ nhiều năm nay, tuy nhiên một số đơn vị tư nhân được giao trông xe đang tổ chức trông xe theo tháng hoặc xe đỗ nhiều giờ nhưng chỉ thu bằng 1 lượt, có trường hợp thu tiền không đưa vé. Với hình thức thu phí được lãnh đạo thành phố yêu cầu, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, nếu áp dụng mức phí trông giữ xe đang áp dụng tại Hà Nội hiện nay, xe cứ đỗ 120 phút (2 giờ) đều được tính là 1 lượt với giá 30.000 đồng trong khu vực trung tâm như quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa; xe đỗ cả buổi (từ 8 đến 12h) được tính là 2 lượt với mức phí 60.000 đồng; cả ngày sẽ là 120.000 đồng (4 lượt).
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, trước mắt quận Hoàn Kiếm sẽ là địa bàn được lãnh đạo thành phố yêu cầu triển khai thí điểm trước khi nhân rộng. Lộ trình triển khai nội dung này được lãnh đạo Hà Nội yêu cầu là từ 1/7/2017.
Theo khảo sát của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội hiện có 150 điểm, bãi đỗ ô tô được cấp phép, có tới gần 40% các điểm, bãi đỗ này nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Theo mô hình “khoán – quản”, hiện UBND quận Hoàn Kiếm đang cấp phép cho nhiều đơn vị tư nhân được phép trông ô tô dưới lòng đường. Trong vai người có nhu cầu gửi ô tô, nhiều ngày qua phóng viên đã vào gửi xe tại một số điểm trông xe dưới lòng đường tại quận Hoàn Kiếm, đều bị nhân viên tại đây thu tiền gần gấp đôi giá quy định nhưng không đưa vé.
90% ô tô tại Hà Nội không có điểm đỗ
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội đang có 546.000 ô tô các loại, tuy nhiên các điểm đỗ xe của thành phố hiện nay mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, hơn 490.000, tương đương 90% ô tô tại Hà Nội không có chỗ đỗ. Hà Nội đã lên phương án xây dựng gần 10 bãi đỗ xe cao tầng với thiết kế ngầm, nổi, trong đó có các dự án điểm đỗ xe cao tầng giàn thép Nguyễn Công Hoan, Trần Nhật Duật, Phùng Hưng, Bờ sông Tô Lịch, Công viên Thống Nhất, Quảng trường tháng Tám, công viên Thủ Lệ, công viên Thanh Nhàn, cung thể thao Quần Ngựa…
Tuy nhiên đến nay, sau nhiều năm triển khai mới chỉ có dự án bãi đỗ xe cao tầng giàn thép Nguyễn Công Hoan, Trần Nhật Duật hoàn thành, giải quyết cơ bản nhu cầu đỗ xe cho người dân trong khu vực, các dự án còn lại vẫn nằm trên giấy.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, hàng loạt bãi đỗ xe ngầm, nổi cũng đang giậm chân tại chỗ do không có cơ chế, tiêu chí rõ ràng. “Đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ hoàn vốn qua phí trông giữ xe như hiện nay thì phải đến cả 100 năm doanh nghiệp cũng không thể thu hồi được vốn.
Để doanh nghiệp mặn mà với các dự án bãi đỗ xe, thành phố cần có tiêu chí, cơ chế rõ ràng, tuy nhiên đến nay việc này đối với thành phố Hà Nội vẫn còn là điều xa vời. Hơn nửa triệu ô tô không có điểm đỗ trong khi các dự án bãi đỗ thì nối đuôi nhau chết yểu, cơ quan lập quy hoạch và thực hiện tại Hà Nội phải nhận trách nhiệm về vai trò của mình”, ông Nghiêm nhấn mạnh.