Người thích nhạc tiền chiến thì không mua đĩa lậu

Người thích nhạc tiền chiến thì không mua đĩa lậu
TP - Đức Tuấn, đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình TPHCM 2000, nhưng thực sự có tên trên thị trường âm nhạc từ album Đôi mắt người Sơn Tây, phát hành cuối năm ngoái.
Người thích nhạc tiền chiến thì không mua đĩa lậu ảnh 1

Thừa thắng xông lên, chàng trai sinh năm 1980 gốc An Giang liên tiếp ra mắt 2 đĩa Ngậm ngùi - Chiếc lá thu phai (Phạm Duy-Trịnh Công Sơn) và Yêu trong ánh sáng (Quốc Bảo).

Đức Tuấn vừa có buổi gặp gỡ báo chí tại Hà Nội trước khi xâm nhập thị trường âm nhạc này.

Bắt đầu từ nhạc tiền chiến và nhạc Trịnh đôi khi lại là con đường hanh thông cho những ca sĩ ôm mộng nhạc trẻ. Đức Tuấn và Quang Dũng có gì giống nhau không?

Những gì tôi hát không do ai chỉ vẽ, nó là do ý thích của tôi. Giọng của tôi cũng thích hợp với nhạc trữ tình, mặt khác tiền chiến là dòng nhạc tôi nghe từ nhỏ, những Tình ca, Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Duy, những bài của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát của Lệ Thu, Khánh Ly...

Lúc đầu tôi hát nhạc trẻ để trở thành ngôi sao, nhưng được một thời gian tôi nhận thấy nó không phù hợp với sở thích và sở trường của mình.

Một số người cho rằng Đức Tuấn sợ Minh Quân?

Sợ Minh Quân? Khi tôi đoạt giải Tiếng hát Truyền hình TP.HCM, người ta nhận thấy Minh Quân và tôi giống nhau, bằng tuổi, mắt một mí, răng khểnh. Hồi trước Quân cũng béo như tôi.

Hình như chất giọng cũng hơi giống nhau. Nhiều người nhầm. Điều đó với tôi cũng vui thôi, vì càng về sau sự phát triển của cả 2 người càng khác xa nhau. Tôi và Quân vẫn quan hệ bình thường, chẳng có vấn đề gì cả.

Đang hát tiền chiến, lại rẽ sang nhạc của Quốc Bảo, rõ ràng anh vẫn mê nhạc trẻ?

Tôi không quan niệm trẻ hay già, cũ hay mới, tiền chiến hay không tiền chiến, mà nhạc hay, phù hợp thì tôi sẽ hát.

Là ca sĩ mới, nhưng nhịp độ phát hành album của Đức Tuấn rất đều đặn. Năm nay, ngoài Yêu trong ánh sáng, Tuấn có dự định gì nữa?

Lẽ ra album Đôi mắt người Sơn Tây (tuyệt phẩm Phạm Đình Chương) phải phát hành từ giữa năm 2005 cơ, vì tôi xin phép từ cuối 2004, nhưng do trục trặc về giấy phép nên đến tháng 10/2005 tôi mới có được giấy phép.

Chắc do “nhạy cảm”, như lúc đầu Tuấn nói?

Tôi nghĩ lâu như vậy chắc do những vấn đề “nhạy cảm”, ví dụ một số bài nào đó người ta vẫn cho rằng chưa nên phổ biến.

Sau một loạt đêm nhạc Phạm (Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Phạm Mạnh Cương, Phạm Trọng Cầu…) tại các phòng trà TP.HCM, tiếp theo sẽ là những đêm nhạc gì?

Vẫn là những live-show nho nhỏ. Còn tại Hà Nội, tôi rất muốn làm chương trình. Những buổi gặp mặt báo chí này mới là bước đầu tiên để tôi chính thức ra mắt khán giả Thủ đô. Khác với TPHCM, nơi tôi đã bắt đầu có chỗ đứng của mình.

Theo thăm dò ở diện hẹp, tôi cảm thấy giới trẻ không hiểu nhiều về nhạc tiền chiến, thậm chí họ không biết Phạm Duy là ai. Phạm Duy gần như là một thương hiệu để kéo khán giả đến với mình, nhưng ngoài này (phía Bắc-PV) chưa hẳn thế.

Hôm trước, tôi chơi Trò chơi âm nhạc với anh Tuấn Hùng. Khi tôi chọn hát bài Nửa hồn thương đau, anh ấy không hề biết là bài nào. Tôi chọn tiếp áo anh sứt chỉ đường tà, anh ấy cũng không biết. Chị Mỹ Linh cũng bảo: Chị không biết Phạm Duy là ai đâu em ơi, nhưng chị hát bài nào cũng được.

Chị chỉ nghe bài Ngậm ngùi bố chị hay hát thôi. Năm nay tôi sẽ tiếp tục PR (quảng bá) cho 2 đĩa này. Vì với chúng, phải 2 lần nghe thính giả mới bắt đầu thích.

Cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, tôi sẽ ra album Phạm Duy. Có lẽ, tại Hà Nội, tôi sẽ làm một vài chương trình cùng chị ánh Tuyết. ít ra, ở Hà Nội, chị ánh Tuyết có lượng khán giả nhất định. Tôi không phải là người vội vàng ngay từ đầu đã muốn “ôm” một lượng khán giả đông đảo, có thể quá trình ấy sẽ kéo dài 20-30 năm, không sao.

Đức Tuấn khá may mắn. Album Đôi mắt người Sơn Tây thắng đậm, do đâu?

Những người thích nhạc tiền chiến mà tôi hát thì không bao giờ mua đĩa lậu. Tôi đánh cược với thị trường là như vậy.

Những lùm xùm với Hoàng Tuấn và Hoài An dạo trước có khiến Đức Tuấn ớn giới bầu sô không?

Không đâu. Thậm chí, tôi vẫn cần một người quản lý giỏi, nhưng tìm chưa ra.

MỚI - NÓNG