Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: ‘Chủ trương không cấm dạy thêm’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nói rằng “mình là người hạnh phúc nhất”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn khẳng định, khi xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo đã nhìn sang các ngành khác, chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi, hay ưu ái bất thường.

Sáng 20/11, giải trình một số vấn đề được đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ niềm vui, niềm hạnh phúc của các nhà giáo khi Quốc hội thảo luận Luật Nhà giáo vào đúng ngày 20 tháng 11.

“Có nhiều người hạnh phúc nhưng hôm nay có lẽ tôi là người hạnh phúc nhất”, ông Sơn chia sẻ.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: ‘Chủ trương không cấm dạy thêm’ ảnh 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. Ảnh: Như Ý

Đi vào các vấn đề được đại biểu quan tâm, nhất là vấn đề lương của giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, khi xây dựng dự thảo luật, bộ cũng nhìn sang các ngành khác, chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi hay được ưu ái bất thường.

Trên thực tế, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, vẫn còn phần lớn trong số 1,6 triệu giáo viên chưa đủ sống nên không thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học. “Với một đất nước khi vừa thoát nghèo, chưa giàu, khi cần ưu tiên, không thể dàn hàng ngang ưu tiên. Khi đã xét 'giáo dục là đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu', dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên”, ông Sơn nói.

Việc xác định cụ thể về chế độ tiền lương để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho nhà giáo, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, dự thảo Luật Nhà giáo chỉ quy định nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Tránh tình trạng “không quản được thì cấm”

Liên quan đến việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đang chủ trương không cấm việc dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: ‘Chủ trương không cấm dạy thêm’ ảnh 2

Các đại biểu chúc mừng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhân ngày 20 tháng 11. Ảnh: Như Ý

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu quá trình thảo luận một số đại biểu cho rằng vì nhà giáo khó khăn nên phải làm luật này. Tuy nhiên, ông giải thích khó khăn của nhà giáo chỉ là một phần của lý do, còn lý do chính yếu để làm luật này nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo.

Trước đó, thảo luận về vấn đề này, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, dạy thêm là nhu cầu có thực của giáo viên và học thêm cũng là nhu cầu có thực của học sinh nhất là ở đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển.

"Việc nói tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên giải quyết được vấn đề dạy thêm, theo tôi, vẫn còn chủ quan và chưa thực sự phù hợp với thực tế cuộc sống", đại biểu bày tỏ.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: ‘Chủ trương không cấm dạy thêm’ ảnh 3

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cho biết, đang có hai quan điểm về vấn đề dạy thêm. Cụ thể, có ý kiến cho rằng nên xác định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng ý kiến khác đề nghị nên cấm dạy thêm, học thêm.

Đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT sau khi Luật Nhà giáo được thông qua, cần phối hợp với các bộ, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư hướng dẫn xem xét thấu đáo việc này.

“Thực ra việc dạy thêm, học thêm cũng có những mặt tích cực. Không phải giáo viên nào cũng xấu, ép học sinh học thêm. Có những phụ huynh học sinh vì lý do công việc không thể đón con về buổi trưa để chăm sóc, hay làm tăng ca không thể đón con sớm nên họ nhờ thầy, cô giáo đón con về chăm sóc dạy dỗ để cha mẹ an tâm làm việc", ông Khánh nói và đề nghị nên tránh tình trạng “không quản được thì cấm”.

MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.