Cần Thơ:

Đề xuất 800 tỷ đồng đầu tư hạ tầng Đề án 1 triệu ha lúa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Để tạo tiền đề và phục vụ phát triển lúa chất lượng cao phát thải thấp theo Đề án 1 triệu ha lúa của Chính phủ, Cần Thơ đề xuất danh mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật gồm 46 trạm bơm, 98 cầu giao thông 108km đê bao trong vùng thực hiện đề án. Tổng nhu cầu vốn khoảng 34 triệu USD, tương đương 800 tỷ đồng.

Ngày 13/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cần Thơ tổ chức hội nghị triển triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (Đề án).

Đầu tư giảm, năng suất tăng

Bà Phạm Thị Minh Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Cần Thơ - cho biết, thành phố triển khai mô hình trồng lúa theo Đề án tại huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Mục tiêu đến năm 2030 có 48.000ha lúa theo Đề án, với sự tham gia của 51.000 hộ, 56 hợp tác xã.

Đề xuất 800 tỷ đồng đầu tư hạ tầng Đề án 1 triệu ha lúa ảnh 1

Mô hình trồng lúa chất lượng cao phát thải thấp đã mang lại hiệu quả bước đầu.

Về kết quả thực hiện mô hình thí điểm tại xã Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh), bà Hiếu cho biết, năng suất lúa đạt 6,4 tấn/ha (cao hơn 0,7 tấn/ha so với canh tác truyền thống). Năng suất cao do áp dụng máy sạ, quy trình kỹ thuật của Đề án giúp cây lúa khỏe, cứng, không bị đổ ngã, giúp giảm thất thoát sau thu hoạch ít nhất 3% so với ruộng đối chứng. Cùng với việc giảm lượng giống gieo sạ, phân bón giúp giảm áp lực sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với canh truyền thống.

Về phát thải khí nhà kính, kết quả đo trên ruộng mô hình cho thấy, giảm từ 2-12 tấn CO2/ha so với ruộng đối chứng, nhờ giảm phân bón vô cơ, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm đốt rơm rạ, tăng hiệu quả dùng rơm rạ thu gom khỏi ruộng (để sản xuất phân bón hữu cơ).

Về hiệu quả kinh tế, bà Hiếu đưa ra kết quả, tổng chi phí sản xuất ở mô hình giảm trung bình hơn 1,1 triệu đồng/ha (tương đương khoảng 10-15%) so với cách truyền thống; giá thành sản xuất 3.626 đồng/kg. Nhờ tăng năng suất, giảm chi phí nên lúa theo Đề án mang lại lợi nhuận cao hơn từ 1,3 - 6,5 triệu đồng/ha (tương đương 6,6-36% so với lúa truyền thống, nhờ vào giảm 50% lượng giống, giảm 30% lượng phân bón đạm, giảm 2-3 lần phun thuốc, giảm lượng nước tưới 30-40%).

Đề xuất 800 tỷ đồng đầu tư hạ tầng Đề án 1 triệu ha lúa ảnh 2

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: CK.

Nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt tham gia dùng rơm rạ sau thu hoạch trồng nấm, làm phân hữu cơ mang về thu nhập tăng thêm 33 triệu đồng/ha.

Ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) khảo sát mức độ áp dụng của nông dân thông qua việc áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa “1 phải 5 giảm”. Qua đó, đã đánh giá kết quả giảm phát thải và trao thưởng tiền mặt cho 38 nông dân đạt được kết quả tốt trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

800 tỷ đồng đầu tư hạ tầng

Theo Sở NN&PTNT Cần Thơ, một trong những giải pháp thực hiện Đề án sắp tới là đầu tư hệ thống hạ tầng, tưới tiêu để nâng cao hiệu quả quản lý nước cho sản xuất, đầu tư giao thông vận chuyển... Qua rà soát, ngành nông nghiệp Cần Thơ đề xuất danh mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật với số vốn đầu tư khoảng 34 triệu USD (tương đương khoảng 800 tỷ đồng), trong đó vốn vay ODA 26 triệu USD, còn lại vốn đối ứng. Số vốn này dùng đầu tư 46 trạm bơm, 98 cầu, 108km đê bao vùng thực hiện đề án.

Ông Dương Văn Siêu - Phó Giám đốc Hợp tác xã Thuận Thắng, huyện Thới Lai - kiến nghị thành phố quan tâm đầu tư tháo gỡ khó khăn về hạ tầng, giao thông nông thôn; có chính sách tài chính để bà con tham gia vì phải cơ giới hóa, đầu tư máy móc, trạm bơm đồng bộ… để làm đồng loạt. Đồng thời, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về kỹ thuật như việc giảm giống, sạ thưa, những lợi ích của quy trình canh tác theo Đề án.

Đề xuất 800 tỷ đồng đầu tư hạ tầng Đề án 1 triệu ha lúa ảnh 3

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CK.

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - đánh giá, Đề án 1 triệu ha lúa rất lớn và đầu tiên trên thế giới, được nhiều nước, tổ chức quốc tế quan tâm, trong nước cả hệ thống chính trị vào cuộc. Mục đích chính là tổ chức lại sản xuất, thay đổi tư duy sản xuất lúa gạo theo hướng hiệu quả, bền vững.

Ông Hè cho biết, cơ chế thực hiện Đề án là nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, hợp tác xã về kỹ thuật và hạ tầng phục vụ sản xuất, nguồn vốn được vay về cấp phát lại cho địa phương. Dự án đầu tư hạ tầng đang được Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng phê duyệt.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu ngành nông nghiệp, các địa phương tăng cường tập huấn cho cán bộ, nông dân trong vùng dự án về mục đích, ý nghĩa, cách làm, tiêu chí… của Đề án. Xây dựng các mô hình về xử lý rơm rạ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao, chuyển đổi số. Ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm tham mưu UBND Thành phố về nguồn vốn thực hiện, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn, xây dựng mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ một cách gắn bó, bền vững…

MỚI - NÓNG
Sắp có 100.000 ha lúa chất lượng cao ở Kiên Giang
Sắp có 100.000 ha lúa chất lượng cao ở Kiên Giang
TPO - Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu, đến năm 2025 triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 100.000 ha, tăng lên gấp đôi đạt 200.000ha vào năm 2030.