Cần chính sách để khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau 2 năm thí điểm, Đề án khuyến nông cộng đồng đã có những tín hiệu tích cực, nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân. Tuy nhiên, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho “lực lượng chủ lực” của ngành nông nghiệp ở cơ sở này hoạt động hiệu quả...

Nhận định được đưa ra tại Tọa đàm truyền thông khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức ở Cần Thơ.

Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ KNCĐ”, ông Đỗ Đà Giang – Trưởng Phòng Tư vấn và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, cả nước đến nay có 57 tỉnh, thành phố thành lập được 5.167 tổ KNCĐ với gần 47.300 thành viên tham gia.

Thành viên tổ KNCĐ chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương, đại diện hợp tác xã, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi...

Cần chính sách để khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả ảnh 1

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Đề án. Ảnh: CK

Sau 2 năm thí điểm, Đề án KNCĐ đã có những tín hiệu tích cực, nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân.

Có thể khẳng định, KNCĐ là định hướng phát triển đúng đắn kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, nhằm hỗ trợ nông dân tốt hơn trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững…

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, số lượng tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả chưa cao, chủ yếu còn mang tính phong trào, hình thức. Đa số các tổ KNCĐ đang gặp phải những khó khăn, thách thức như: Năng lực của cán bộ KNCĐ còn hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất thiếu; chưa rõ về mô hình tổ chức, tư cách pháp nhân; nguồn lực hoạt động rất hạn chế (hầu như không có); chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ…

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết, tổ KNCĐ được thành lập nhưng chưa được đầu tư về công cụ, thiết bị hỗ trợ để tác nghiệp, không có tư cách pháp nhân nên chỉ thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là phối hợp, chưa xác định được nguồn kinh phí để bố trí cho tổ KNCĐ hoạt động đảm bảo đúng quy định…

Cần chính sách để khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả ảnh 2
Một mô hình khuyến nông chọn bò giống ở Trà Vinh. Ảnh: Sở NN&PTNT Trà Vinh

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cần thống nhất quan điểm, định hướng xây dựng mô hình tổ KNCĐ trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp ở cơ sở để đảm nhiệm tốt các vai trò, chức năng, nhiệm vụ.

Đó là phục vụ quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp ở địa phương; chuyển giao khoa học kỹ thuật, các giải pháp hữu ích, tri thức hóa người nông dân; cầu nối liên kết nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp, thị trường; xây dựng nông thôn mới, phát triển cộng đồng.

Một trong những giải pháp được đưa ra là Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn về tổ chức và hoạt động KNCĐ, xây dựng và phát triển các tổ KNCĐ trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp ở cơ sở. Các địa phương ban hành cơ chế chính sách, bố trí kinh phí, hỗ trợ các tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả…

MỚI - NÓNG