Những doanh nhân nông dân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong chuỗi giá trị lúa gạo, có những nông dân ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã biến những trăn trở, tâm huyết thành hành động, khởi nghiệp từ cây lúa và trở thành những “doanh nhân nông dân” hay “kỹ sư nông dân” tiêu biểu, lan tỏa giá trị cho cộng đồng.

Nông dân Việt Nam xuất sắc trẻ tuổi nhất

Trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương, người trẻ tuổi nhất là anh Trầm Minh Thuần (31 tuổi, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Thạc sĩ Luật Kinh tế này đã xin nghỉ việc sau 2 năm công tác tại văn phòng đăng ký đất đai để về quê khởi nghiệp với cây lúa.

Bà con nông dân trồng lúa lâu nay vẫn miệt mài “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, gắn bó với cây lúa bao đời nhưng thu nhập vẫn thấp, trong khi lợi nhuận lại “chảy” vào túi các khâu trung gian hay những công ty vật tư nông nghiệp... Đó là những trăn trở thôi thúc chàng trai Trầm Minh Thuần về quê khởi nghiệp vào năm 2018.

Để ra đời Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Long Hiệp, Thuần nhờ những người thân quen, cán bộ xã… cùng đi vận động người dân, thuyết phục bà con, xây dựng chuỗi giá trị bằng việc đứng ra mua lúa giống, phân, thuốc với giá thấp hơn thị trường để giao cho xã viên, sau đó hỗ trợ kỹ thuật canh tác…

“Lúa được thu mua rồi đem đi xay xát, đóng bao, có thương hiệu gạo để bán ra ngoài. Xã viên sẽ giảm được chi phí đầu vào rất lớn và không lo về đầu ra. Cuối năm, xã viên còn được chia lợi nhuận theo tỷ lệ sử dụng dịch vụ của HTX cùng các chính sách mà ngành chức năng địa phương hỗ trợ…” - Giám đốc HTX Long Hiệp chia sẻ.

Với những sáng chế kỹ thuật giúp nông dân giảm sức lao động, giảm chi phí và tăng hiệu quả, ông Trần Văn Chung là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022. HTX Nông nghiệp Phát Tài của ông là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Vừa qua, ông tiếp tục được xướng tên tại lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ V và cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” lần thứ X năm 2024 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Với 20ha ban đầu của gia đình, anh Thuần vận động thêm 140ha của 51 xã viên để thành lập HTX Long Hiệp. Mấy năm sau số xã viên đã tăng lên 72, với tổng diện tích 220ha và duy trì đến nay. Năng suất lúa của HTX vụ Hè Thu 2024 đạt từ 6-7,5 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ, với giá khoảng 8.000 đồng/kg, trừ chi phí, bà con lãi khoảng 1.200 đồng/kg. Năm 2024, lợi nhuận của HTX mang lại cho xã viên khoảng 1,4 tỷ đồng.

Những doanh nhân nông dân ảnh 1
Những doanh nhân nông dân ảnh 2

Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Hiệp - Trầm Minh Thuần.

Với những nỗ lực, vị giám đốc HTX trẻ tuổi đã vượt qua khó khăn thời gian đầu mới tham gia vào mô hình kinh tế tập thể. Trong quá trình vận hành phát triển HTX, anh Thuần tranh thủ tận dụng tối đa sự quan tâm của ngành chức năng qua nhiều chính sách thúc đẩy liên kết, ưu tiên phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm gạo, anh Thuần chủ động đi giới thiệu tại các hội chợ, hội thảo và liên kết tiêu thụ với những công ty, chuỗi cửa hàng bán sản phẩm sạch, sản phẩm OCOP. Ngoài ra, HTX còn bán thô trực tiếp cho các công ty xuất khẩu và thương lái. HTX cũng đầu tư kho chứa để trữ hàng trăm tấn lúa, chủ động bán khi giá cao.

Tên tuổi của HTX được biết đến nhiều hơn khi sản phẩm gạo Hạt Ngọc Rồng của Long Hiệp đạt chuẩn OCOP 4 sao. “Sắp tới HTX sẽ mua thiết bị bay không người lái (drone) để làm dịch vụ phun thuốc, bón phân cho xã viên. Trong giai đoạn 2025-2030, sẽ tăng thêm 50% diện tích vùng trồng lúa cho HTX, đồng thời tăng sản lượng bao tiêu và hướng tới xuất khẩu” - Giám đốc Trầm Minh Thuần chia sẻ.

Kỹ sư nông dân

Cũng tại Trà Vinh, một giám đốc HTX được bà con quen gọi là “kỹ sư nông dân” với những sáng chế hữu ích cho người trồng lúa. Đó là ông Trần Văn Chung (60 tuổi) - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành), một trong những đơn vị được Bộ NN&PTNT chọn triển khai thực hiện mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp vùng ĐBSCL.

Những doanh nhân nông dân ảnh 3

Ông Trần Văn Chung giới thiệu máy sạ khóm cải tiến “2 trong 1”

Anh Trầm Minh Thuần được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của năm 2020. Năm 2021 đạt danh hiệu Top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc. Ngoài ra, anh còn được tặng nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp. Anh Thuần hiện là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Trà Vinh.

Ngày trước, gia đình chỉ có 2 công đất trồng lúa thương phẩm. Thời gian lăn lộn kiếm thêm thu nhập từ đi cắt lúa mướn, làm nấm rơm đến làm cả thương lái mua lúa bán lại cho các nhà máy xay xát kiếm tiền lời…, ông Chung nhận thấy nhu cầu lúa giống chất lượng cao, ở địa phương rất nhiều.

Năm 2012, ông Chung đi vận động bà con quanh xóm thành lập tổ hợp tác làm lúa giống, ban đầu chỉ có 3 hộ dân đồng ý tham gia. Dần dần, tổ hợp tác cũng ra đời với tổng số diện tích hơn 6ha và không ngừng phát triển. Nhiều nông dân đã tự đăng ký tham gia thêm và đến năm 2017 trở thành HTX Nông nghiệp Phát Tài như hiện nay với hàng trăm ha đất trồng lúa.

Tham gia HTX Nông nghiệp Phát Tài, các xã viên sẽ được trợ giá mua lúa giống, phân bón, thuê máy gieo sạ... Các xã viên còn được chia phần trăm lợi nhuận mà HTX thu về qua các vụ.

HTX Nông nghiệp Phát Tài phát triển cũng tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động là hội viên nông dân, hội viên cựu chiến binh tại địa phương. Đặc biệt, việc liên kết chuỗi giá trị trong HTX với nông dân đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất cho người trồng lúa từ 6-7 triệu đồng/ha...

Vị giám đốc HTX này được nhiều người quen gọi là “kỹ sư nhà nông” bởi ông đã tự mày mò, nghiên cứu, sáng chế, cải tiến nhiều thiết bị... ứng dụng hiệu quả trong sản xuất lúa gạo. Đáng chú ý cơ sở của HTX có hệ thống trang lúa “3 trong 1” ứng dụng trong lò sấy, chỉ cần 1 người vận hành (thay vì 5 người như trước đây) bởi các khâu xúc, chuyển lúa sau khi sấy xong qua bộ phận tách bụi, làm sạch lúa hoàn toàn tự động.

Ông cũng cho ra đời máy rê lúa 2 tầng, sản phẩm đạt giải Ba tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Trà Vinh (2020-2021). Năm 2023, ông tiếp tục sáng chế máy sạ khóm cải tiến “2 trong 1” giúp nông dân thuận lợi và đạt hiệu quả trong quá trình vừa sạ giống vừa làm phẳng mặt ruộng…

Với tâm huyết, đam mê tìm tòi, cải tiến kỹ thuật đưa vào ứng dụng, Giám đốc Trần Văn Chung chia sẻ: “Mình mong muốn làm sao cho người trồng lúa có thu nhập ổn định, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để giảm bớt sức lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cho HTX, giúp bà con thay đổi dần tư duy canh tác...”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.