Lực lượng có vai trò ‘đặc biệt’ trong thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 15/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức hội thảo “Vai trò, nhiệm vụ của khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong Đề án một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Lực lượng nòng cốt còn nhiều khó khăn

Để triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, hệ thống khuyến nông, đặc biệt là lực lượng khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) được xác định đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện, đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực và là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.

Theo đó, KNCĐ sẽ đảm nhận các nhiệm vụ như: Truyền thông nâng cao nhận thức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa giảm phát thải; xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn cho các hộ nông dân, hợp tác xã; hình thành và phát triển lực lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ đo đạc, báo cáo, thẩm định và cấp tín chỉ các-bon…

Lực lượng có vai trò ‘đặc biệt’ trong thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ảnh 1

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đến nay tại 12 tỉnh/thành triển khai đề án đã thành lập được hơn 900 tổ KNCĐ với trên 10.000 thành viên. Hầu hết các tỉnh đã lồng ghép hoạt động của KNCĐ với các hoạt động chung của hệ thống khuyến nông. Tại các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, tổ KNCĐ đã phát huy khá tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nông dân tại vùng nguyên liệu.

Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng KNCĐ còn không ít khó khăn, hạn chế như: Đa số cán bộ KNCĐ là kiêm nhiệm nên thời gian chủ yếu dành cho công tác chuyên môn. Thiếu các thành viên có chuyên môn, đam mê, có kinh nghiệm trong công tác khuyến nông. Hoạt động khuyến nông chỉ mới tập trung nhiều đến việc chuyển giao kỹ thuật mới chưa chú trọng đến phát triển thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Kinh phí hoạt động còn hạn chế, chưa cân đối được nguồn kinh phí cho công tác triển khai thực hiện.

Lực lượng có vai trò ‘đặc biệt’ trong thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ảnh 2

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và tỉnh Trà Vinh khảo sát mô hình sản xuất lúa hữu cơ, chất lượng cao giảm phát thải ở huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh cho biết, trong quá trình thành lập chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cho hoạt động của tổ KNCĐ, kinh nghiệm hoạt động còn hạn chế, chưa xây dựng được quy trình công việc, do chưa có kinh phí hoạt động ban đầu nên các mô hình triển khai còn hạn chế nguồn kinh phí hoạt động nên hầu hết là làm việc tự nguyện và lồng ghép. Tổ KNCĐ không có tư cách pháp nhân, không có con dấu giao dịch để ký các hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vay vốn để hoạt động, chưa chủ động với vai trò dẫn dắt điều phối hoạt động.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, trước đây có hệ thống các trạm khuyến nông cấp huyện với lực lượng cán bộ khuyến nông tâm huyết, có chuyên môn và giàu kinh nghiệm thực tiễn. Hiện nay, qua quá trình tinh giảm biên chế, lực lượng cán bộ này thay đổi, luân chuyển, nghỉ việc. Do đó, trong công tác triển khai các tổ KNCĐ đang gặp khó khăn trong bố trí cán bộ có chuyên môn, có kinh nghiệm phụ trách các tổ này…

Lực lượng có vai trò ‘đặc biệt’ trong thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ảnh 3

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo. ẢNH: CẢNH KỲ

Cánh tay nối dài…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, mục tiêu đề án 1 triệu ha lúa là góp phần chuyển đổi phương thức sản xuất trong ngành lúa gạo ở ĐBSCL; thực hiện quy trình canh tác bền vững và nâng cao thu nhập cho hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) khi tham gia đề án.

Chủ thể quan trọng trong triển khai đề án là HTX, còn lực lượng trực tiếp phối hợp với HTX đo đếm tín chỉ các-bon là lực lượng khuyến nông. Bộ NN&PTNT xác định lực lượng KNCĐ ở cơ sở là lực lượng chính để tham gia đề án, với nhiệm vụ chính là hỗ trợ xây dựng, củng cố các HTX ở địa phương; tập huấn quy trình canh tác bền vững (Bộ chuẩn bị ban hành quy trình); tập hợp các số liệu từ HTX để thực hiện việc đo đếm, chi trả tín chỉ các-bon…

“Lực lượng KNCĐ là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp đến cơ sở, vừa thực hiện chức năng đơn vị sự nghiệp nhà nước được cơ quan quản lý nhà nước giao, vừa làm dịch vụ (chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật…). Bộ máy tổ chức là do địa phương thành lập, nhưng phải bám sát hai nhiệm vụ này. Bộ không có nhiệm vụ kiện toàn ở cơ sở, bộ chỉ hướng dẫn chức năng nhiệm vụ của ngành” – ông Nam nói.

Theo Thứ trưởng Nam, khi có thương hiệu lúa gạo giảm phát thải thì bán được tín chỉ các-bon. Ngân hàng Thế giới (WB) thống nhất sẽ mua tất cả tín chỉ các-bon trong đề án. Theo tính toán ban đầu, nếu quy trình làm chất lượng, tín chỉ các-bon sẽ được bán với giá khoảng 10 USD/tấn, tức 1ha sẽ có 100 USD. Mô hình tín chỉ các-bon sẽ được thí điểm ngay vụ Hè Thu năm nay.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu, sau hội thảo này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai ngay các nhiệm vụ được giao, các trung tâm khuyến nông địa phương trao đổi, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, rà soát lại những khó khăn, kiện toàn lực lượng; củng cố các tổ KNCĐ tại địa bàn, tập huấn nâng cao năng lực; xây dựng báo cáo tiến độ triển khai đề án hàng tháng…

“Trước mắt còn nhiều vấn đề, nhưng phải tiến chứ không lùi, đơn vị nào chậm thì cố gắng theo, rất nhiều tổ chức quốc tế sẵn sàng tham gia, các địa phương tích cực tham gia các cuộc làm việc để nắm thông tin. Đầu tháng 4 tới, hàng loạt chính sách của đề án được triển khai, khuyến nông địa phương phải mường tượng ngay ở địa bàn phải làm những gì, nếu không thì không kịp” – Thứ trưởng Nam lưu ý.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn:

Biến đổi khí hậu, cạnh tranh gay gắt của sản phẩm lúa gạo trên thị trường, sản xuất lúa gạo ngày càng khó khăn hơn… đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh, tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa. Đồng thời, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới và hướng tới một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

MỚI - NÓNG