Thống kê được Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội đưa ra tại hội thảo “Mạng xã hội và sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên Việt Nam” cho thấy, Facebook là nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam với tỉ lệ 89,7%, tiếp đến Zalo 88,5% và TikTok 77,8%. Điều đáng nói, sự gia tăng số lượng người trẻ sử dụng mạng xã hội làm cho các mối lo ngại về sức khỏe tâm thần tăng theo.
Thời gian qua nhiều clip được đăng tải trên mạng xã hội về chơi trò “bắt pen” trên TikTok. Theo đó, một người ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người khác để người này có cảm giác lâng lâng hoặc “phê pha giả tạo”. Người bị “bắt pen” sẽ không tỉnh táo, thậm chí ngất xỉu, khiến người xung quanh phải lay, tát vào mặt để trở lại trạng thái bình thường.
Bệnh nhân nghiện mạng xã hội điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) |
Theo các chuyên gia y tế, cảm giác khác lạ chỉ diễn ra trong ít giây nhưng hậu quả vô cùng nguy hiểm và không thể lường trước. Hai động mạch cảnh ở cổ có tác dụng điều chỉnh nhịp tim và huyết áp nên khi ép chặt hai bên sẽ gây giảm tưới máu não nghiêm trọng, nếu bỏ tay nhanh, gây chóng mặt, ngất, mất ý thức thoáng qua. Nếu ép quá lâu có thể gây đột quỵ do thiếu máu hoặc ép quá mạnh tay có thể khiến động mạch cảnh tổn thương. Việc ép cổ gây kích thích xoang cảnh có thể làm chậm nhịp tim và ngưng tim. Nguy hiểm hơn, các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi. Ngoài ra, việc tạo áp lực mạnh lên cổ có thể gây chấn thương cho các cấu trúc xung quanh, bao gồm dây thần kinh, mạch máu và các tổ chức mô mềm. Trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Cần kiểm soát sử dụng mạng xã hội
TS Nguyễn Thị Mai Hương, Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, nói: “Khi thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội sẽ bị tác động đến thùy trán, gắn với việc ghi nhớ chi tiết, lên kế hoạch và sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiên. Điều đó khiến họ chỉ ưu tiên dành thời gian sử dụng mạng xã hội, còn những công việc khác trong cuộc sống hằng ngày sẽ phải xếp sau”.
Các chuyên gia nhận định, các nền tảng xã hội được thiết kế có thể gây nghiện cho người dùng, đặc biệt là người trẻ. Hậu quả là gây ra các tác động tiêu cực cho sức khỏe tâm thần như: trầm cảm, mất ngủ, lo âu, xao lãng học tập cũng như hàng loạt vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Các hoạt động trên màn hình được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng trầm cảm, thậm chí là tự tử ở thanh thiếu niên.
“Có thể phát hiện chứng nghiện mạng xã hội qua các dấu hiệu: không quan tâm đến các hoạt động khác ngoài màn hình, thường xuyên bị hút vào màn hình, ngay cả khi không sử dụng. Thanh thiếu niên có dấu hiệu nghiện internet có khả năng gặp phải các bệnh về thể chất lẫn tinh thần cao hơn những người không bị nghiện. Những người trẻ dùng mạng xã hội ngại giao tiếp; tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu, tăng ý định tự tử, gây ra khó ngủ, đau đầu, chán ăn, hay lạm dụng chất kích thích”. TS Nguyễn Thị Mai Hương,
Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng
Ông Cao Hoàng Nam, đại diện Sáng kiến Z & ALPHA, thông tin, mạng xã hội không tiết lộ các thuật toán có thể tạo ra một chu kì tương tác gây nghiện. Việc thiết kế tính năng “like - thích” và so sánh xã hội khiến người dùng liên tục kiểm tra lượt thích, tăng cường độ đăng bài tiếp theo. Nếu bài viết có ít người bấm “thích” có thể dẫn tới triệu chứng trầm cảm ở người viết và trầm trọng thời gian...
“Thuật toán mạng xã hội là một khía cạnh tinh vi trong sự phát triển hiện nay. Những thuật toán này được lập trình để hiển thị nội dung dựa trên cơ chế “trả thưởng” của não bộ, khiến người dùng liên tục tìm kiếm phần thưởng dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác hưng phấn và kích thích). Đây là lí do chính khiến người dùng liên tục tìm kiếm, kiểm tra màn hình của họ, do sự giải phóng dopamine bị thao túng, dẫn đến việc lặp đi lặp lại các hành vi khi tham gia vào mạng xã hội. Tình trạng này tương tự như nghiện cờ bạc trực tuyến hoặc nghiện game online”, TS Hương cho biết.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi tham gia hưởng ứng các trào lưu trên mạng xã hội, người dùng cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kĩ tác hại của nó và đặt sự an toàn của bản thân, gia đình và xã hội lên trên hết. Đồng thời hãy coi mạng xã hội là một công cụ hỗ trợ cuộc sống thay vì phụ thuộc quá nhiều vào việc sử dụng nó. Mọi người cần có sự cân nhắc và kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội để tránh tác động tiêu cực đến tâm lí và sức khỏe của mình.