Thanh tra Chính phủ nói gì về một số trường hợp lộ tài sản 'khủng' khi bị điều tra, khám xét?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, theo TTCP, hiện chỉ có 4 trường hợp bị kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực. Trong khi đó, nhiều trường hợp khác chỉ được phát hiện tài sản “khủng” khi bị Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành khám xét.

Khi khám xét phát hiện khối tài sản “khủng”

Thanh tra Chính phủ nói gì về một số trường hợp lộ tài sản 'khủng' khi bị điều tra, khám xét? ảnh 1
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị cáo buộc nhận hối lộ hàng chục tỉ đồng. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Thọ vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực. Ảnh: Bộ Công an

Cụ thể, cử tri tỉnh Đà Nẵng phản ánh việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện hằng năm và nộp về cơ quan có thẩm quyền quản lý theo Nghị định 130 năm 2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có nhiều trường hợp sau khi bị Cơ quan cảnh sát điều tra khám xét thì mới phát hiện ra khối tài sản rất lớn, không kê khai, không rõ nguồn gốc. Theo đó, cử tri kiến nghị cần quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc hơn vấn đề này.

Trước vấn đề nêu trên, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, kiểm soát tài sản và thu nhập hiệu quả là một giải pháp quan trọng trong phòng chống tham nhũng và tiêu cực, phù hợp với chủ trương của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều quy định và biện pháp để quản lý kê khai tài sản, xác minh tài sản và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130 năm 2020 của Chính phủ, Quyết định số 56 của Bộ Chính trị về quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, cũng như Quyết định số 390 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập", nhằm hiện đại hóa và chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản và thu nhập.

Dữ liệu từ cơ sở này sẽ góp phần phòng ngừa, phát hiện, và xử lý tham nhũng thông qua việc cập nhật, lưu trữ, bảo vệ và cung cấp chính xác các thông tin về kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu liên quan.

TTCP cho biết, theo báo cáo của cơ quan thanh tra, trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 282.826 người thực hiện kê khai tài sản và thu nhập; trong đó, 2.518 người đã được xác minh kê khai tài sản và thu nhập, và có 4 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực.

Hiện tại, TTCP đang nỗ lực thực hiện Đề án 390 và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản và thu nhập trên toàn quốc, đồng thời thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định liên quan. TTCP đã ban hành văn bản hướng dẫn, và các bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập theo hình thức chọn ngẫu nhiên.

Trong thời gian tới, TTCP và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tham mưu và triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc kiểm soát tài sản và thu nhập của những người có chức vụ và quyền hạn theo quy định.

'Chạy theo cám dỗ, quên lời thề với Đảng và Nhân dân'

Cũng theo báo cáo của TTCP, thực tiễn cho thấy một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là một số người giữ các chức vụ lãnh đạo và quản lý quan trọng trong hệ thống chính trị, đã không nghiêm túc và gương mẫu trong việc tự rèn luyện và tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Những người này đã chạy theo những cám dỗ vật chất và địa vị, quên đi lời thề với Đảng và Nhân dân, trở thành những "con sâu" gây hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng mà toàn Đảng và nhân dân đang dày công thực hiện. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là mỗi cán bộ, đảng viên cần tự nhận thức, soi xét, sửa đổi bản thân, và phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong phòng, chống tham nhũng và tiêu cực tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều vụ việc nổi cộm gây bức xúc trong dư luận như vụ án tại “Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Cục Đăng kiểm Việt Nam, và vụ án Chuyến bay giải cứu”. Những hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các cán bộ, đảng viên liên quan không chỉ là hình phạt mà còn là lời cảnh tỉnh đối với những người chưa vững vàng về bản lĩnh, còn dao động trước cám dỗ vật chất.

TTCP khẳng định, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt và mạnh mẽ, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.

MỚI - NÓNG