Giáo sư Võ Tòng Xuân đóng góp vô giá cho vựa lúa miền Tây

TPO - GS. Võ Tòng Xuân có đóng góp quan trọng trong tiến trình ngành lúa gạo Việt Nam chuyển mình từ một nước thiếu lương thực trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Những năm cuối đời, tuổi cao sức yếu, nhưng chưa thôi trăn trở về vựa lúa ĐBSCL, GS. Võ Tòng Xuân vẫn miệt mài, lặn lội khắp những cánh đồng, vườn cây, ao cá, hỗ trợ bà con nông dân…

Người thầy khả kính

Chia sẻ cảm xúc khi hay tin GS. Võ Tòng Xuân từ trần, ông Nguyễn Văn Đồng – nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, đây là mất mát lớn của lĩnh vực khoa học, giáo dục nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. “Giáo sư rất gần gũi với học trò, không chỉ lúc đang học, còn khi ra trường, có gì cần thầy đều tư vấn, giúp đỡ, xứng đáng như danh hiệu Nhà giáo Nhân dân”, ông Đồng nói.

Về đóng góp cho nông nghiệp, theo ông Đồng, GS. Võ Tòng Xuân có công lao rất lớn khi đem về những giống lúa rất phù hợp để “chinh phục” nhiều vùng đất, trong đó có những cánh đồng phèn của Hậu Giang. Những giống lúa trồng rất hiệu quả, giúp cải thiện thu nhập cho bà con nông dân nghèo.

Giáo sư Võ Tòng Xuân đóng góp vô giá cho vựa lúa miền Tây ảnh 1

Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân. Ảnh: CK

“GS Võ Tòng Xuân có công rất lớn trong việc xây dựng những thương hiệu nông sản cho Hậu Giang nói riêng và miền Tây nói chung. Đặc biệt, Festival Lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Hậu Giang có công rất lớn của thầy. Thầy mất đi, đó là sự đau buồn và thiệt thòi lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Đồng nói thêm.

Có mặt tại nhà tang lễ TP. Cần Thơ để viếng GS Võ Tòng Xuân từ hôm qua đến nay, ông Ngô Minh Giàu – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Năm Giàu (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) chia sẻ về mối thâm tình với GS. Võ Tòng Xuân.

Ông Giàu kể: Năm 2015, ông đem theo trái thanh nhãn đầu tiên trồng được đến dự hội thảo ở Đồng Tháp. Khi đó, GS. Võ Tòng Xuân ăn thử và khen ngon, nói cần nhân rộng, rồi Giáo sư lấy số điện thoại. Sau đó, ông Xuân chủ động đến tận nơi trồng nhãn của ông Giàu. Năm 2021, chính GS. Võ Tòng Xuân xuống tận nơi hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Năm Giàu, giúp hội viên sản xuất ổn định, thu nhập tốt hơn.

“Giáo sư như người cha, tất cả những gì mình không biết, chưa hiểu hay cần gì thầy đều tư vấn, hỗ trợ hết mình. Có lúc lâu ngày không gặp, gọi thầy xuống chơi, thầy đồng ý rồi một hai hôm sau thầy xuống liền. Rất quý thầy chỗ đó”, ông Giàu tâm sự.

Giáo sư Võ Tòng Xuân đóng góp vô giá cho vựa lúa miền Tây ảnh 2

Ông Ngô Minh Giàu chia sẻ với PV Tiền Phong. Ảnh: CK

TS. Trần Ngọc Thạch – Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, những đóng góp của GS. Võ Tòng Xuân rất quan trọng đối với nông nghiệp của vùng, đặc biệt cây lúa. Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn sau chiến tranh, GS. Võ Tòng Xuân đã có công lớn trong việc phát triển những giống lúa phù hợp với Đồng bằng sông Cửu Long, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.

Không chỉ trên đồng ruộng, GS. Võ Tòng Xuân cũng đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học… giúp ngành lúa gạo Việt Nam chuyển mình, để từ chỗ một quốc gia thiếu lương thực trở thành cường quốc xuất khẩu gạo.

Cống hiến không ngừng nghỉ

Những năm cuối đời, tuổi cao sức yếu nhưng chưa thôi trăn trở về vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, GS. Võ Tòng Xuân vẫn miệt mài, lặn lội khắp những cánh đồng, vườn cây, ao cá, hỗ trợ bà con nông dân. Các diễn đàn, hội nghị… liên quan đến nông nghiệp, theo lời mời ông đều có mặt để chia sẻ.

“Không lẽ mình không đáp ứng, coi kỳ quá, nếu đáp ứng thì chịu mệt chút. Cố gắng không "về hưu" vì nghĩ mình là người may mắn học được trước nhiều người về lĩnh vực nông nghiệp, phải chia sẻ để càng nhiều người biết càng tốt", GS Võ Tòng Xuân đã từng nói như vậy. Đây cũng là nguyện vọng của ông khi quyết định rời Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) ở Philippines về nước năm 1971, nếu còn sức khỏe thì tiếp tục cố gắng, hỗ trợ hết mình cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Những lần gặp nông dân, doanh nghiệp, GS. Võ Tòng Xuân đều động viên cố gắng mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các loại giống cây mới lạ khác, cho năng suất cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông cũng hỗ trợ, hướng dẫn, chia sẻ những thông tin bổ ích về sản xuất, tiêu thụ và kết nối các đơn vị có liên quan để giúp doanh nghiệp đi lên.

Giáo sư Võ Tòng Xuân đóng góp vô giá cho vựa lúa miền Tây ảnh 3

GS Võ Tòng Xuân trong một chuyến thăm mô hình ở An Giang. Ảnh: CK

GS. Võ Tòng Xuân cũng từng nói: “Người nông dân canh tác xưa nay quen "tự do", muốn trồng, muốn chặt tùy thích, không có ai tổ chức, chính điều này đã kéo dài cái nghèo của bà con. Nhược điểm của người nông dân, thậm chí cả doanh nghiệp là không biết rõ nhu cầu của thị trường cần gì. Quan trọng nhất phải huấn luyện cho nông dân, nhà khoa học thì cung cấp kỹ thuật để nông dân sản xuất thành một vùng nguyên liệu rộng lớn, giúp doanh nghiệp có đủ hàng hóa chế biến ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng”.

Nói về Nghị quyết 120 của Chính phủ (còn gọi là nghị quyết thuận thiên), GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, nghị quyết ra đời rất đúng lúc. Theo ông, chỉ nên trồng ở vùng nước ngọt, cho năng suất cao. Đối với vùng nước mặn, nước lợ hoặc nơi có vùng đất cao, trong điều kiện thích hợp nên chuyển sang nuôi thủy sản hoặc trồng cây ăn trái.

Đặc biệt, không nên làm hệ thống công trình chỉ phục vụ cho cây lúa, bởi nhiều loại cây ăn trái, thủy sản đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Riêng vùng nuôi tôm, cần phải quy hoạch sao cho bài bản, có hệ thống xử lý nước chuẩn, không gây ô nhiễm môi trường.

Có những nơi mùa mưa chứa nước nhiều quá nhưng mùa khô lại không có, thay vì 3 vụ lúa vừa tốn kém nước ngọt hiếm hoi, thì mùa khô chuyển sang trồng cây khác. Những cách làm đó các ngành cũng như bà con nông dân ngồi lại cùng với doanh nghiệp bàn bạc để Nghị quyết thành công hơn...

Giáo sư Võ Tòng Xuân đóng góp vô giá cho vựa lúa miền Tây ảnh 4

GS Võ Tòng Xuân trong một lần trao đổi với PV Tiền Phong. Ảnh: CK

Nói về việc liên kết sản xuất - tiêu thụ còn nhiều hạn chế, nông dân và DN chưa tìm được tiếng nói chung, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, lý do quan trọng nhất do người tổ chức (doanh nghiệp) thiếu đầu ra.

“Anh phải bán được thì ngân hàng mới cho anh vay tiếp, nếu không thì ai dám cho vay nữa. Mô hình muốn thành công phải xuất phát từ thị trường, doanh nghiệp phải biết khách hàng cần loại gạo gì, tiêu chuẩn ra sao... Khi đã có đầu ra, doanh nghiệp mới quay sang hợp đồng sản xuất cùng nông dân với diện tích và tiêu chuẩn phù hợp”, GS. Võ Tòng Xuân từng phân tích.

Sáng 19/8, GS. Võ Tòng Xuân đã qua đời tại TPHCM ở tuổi 84, lễ viếng tổ chức tại Cần Thơ, sau đó ông được an táng tại quê nhà An Giang vào sáng 22/8.

Những năm 1976-1977, ở ĐBSCL bắt đầu có dịch rầy nâu phá hoại cây lúa, các vùng lúa cao sản ở các tỉnh bị rầy nâu tàn phá, bà con phun thuốc rất nhiều, rồi mất mùa, phải đi khắp nơi mua gạo ăn… Vấn đề cấp bách là phải có giống lúa ngắn ngày, thấp cây hơn.

Liên hệ từ Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và sau đó nhận được các mẩu giống lúa (IR32, IR34, IR36, IR38) từ IRRI, GS. Võ Tòng Xuân cùng cán bộ Khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ bắt tay vào nghiên cứu, trồng thử nghiệm, kết quả cho thấy giống lúa IR36 ưu việt nhất và được chọn để nhân rộng.

Lúc này, GS Võ Tòng Xuân làm một việc chưa từng có tiền lệ, đó là đề nghị lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ đóng cửa trường 2 tháng để đưa sinh viên ra đồng cùng nông dân thực hiện “chiến dịch đánh bại rầy nâu”. Lãnh đạo trường lúc đầu không đồng ý nhưng ông đã thuyết phục được.

“Sinh viên nông nghiệp khi đó chưa tới 200 em nên chúng tôi lấy thêm sinh viên sư phạm, ngoại ngữ… và dạy cho họ 3 bài cơ bản về cách sản xuất mạ, chuẩn bị đất và cấy lúa với chỉ 1 tép 1 bụi. Hai tuần sau lúa lên rất tốt, hai tháng sau sinh viên giao lại cho địa phương và nông dân, sau đó tiếp tục nhân ra và hai vụ sau đó chiến thắng được rầy nâu”, GS. Xuân chia sẻ.

“Tôi không có nhiều bài báo đăng quốc tế như người ta nhưng tôi có những kết quả ngay trên đồng ruộng, nhờ đó mà nông dân sản xuất theo hướng dẫn kỹ thuật, theo kêu gọi của chính quyền địa phương, tránh được thiếu đói và đóng góp vào việc Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Mục tiêu cuối cùng là làm sao cho bà con trồng lúa có lợi tức khá hơn”, GS Xuân chia sẻ tại buổi gặp mặt ở Cần Thơ sau khi nhận giải thưởng VinFuture.

MỚI - NÓNG
Di dời dứt điểm Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế sau hơn 40 năm ‘sống nhờ’ di tích Quốc Tử Giám
Di dời dứt điểm Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế sau hơn 40 năm ‘sống nhờ’ di tích Quốc Tử Giám
TPO - Sau hơn 40 năm “sống nhờ” di tích Di Luân đường và khu vực lân cận, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) tổ chức di dời dứt điểm về nơi mới, nhằm khai thác tốt hơn không gian Quốc Tử Giám triều Nguyễn, cũng như từng bước xây dựng thiết chế văn hóa đúng nghĩa bảo tàng của địa phương.