Đó là chia sẻ của GS Võ Tòng Xuân (người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng VinFuture) tại buổi gặp mặt các nhà khoa học và tổng kết ngành khoa học năm 2023 của thành phố Cần Thơ diễn ra ngày 29/12.
Bắt đầu câu chuyện lúa gạo, lĩnh vực gắn bó với tên tuổi của GS Võ Tòng Xuân mấy chục năm qua, ông nói rằng, mục tiêu cuối cùng là làm sao cho bà con trồng lúa có lợi tức khá hơn.
GS Võ Tòng Xuân chia sẻ tại buổi gặp mặt. Ảnh: Cảnh Kỳ |
GS Xuân kể, những năm sau giải phóng, đất nước hòa bình, nhà nước phát động phong trào an ninh lương thực, tránh nạn thiếu đói sau thời gian dài chiến tranh. Thời điểm những năm 1976-1977, ở Tân Châu (An Giang) bắt đầu có dịch rầy nâu phá hoại cây lúa, các vùng lúa cao sản ở các tỉnh bị rầy nâu tàn phá, bà con phun thuốc rất nhiều, rồi mất mùa, phải đi khắp nơi mua gạo ăn…
“Điều kiện lúc này là phải có giống lúa ngắn ngày, thấp cây hơn, không dùng giống lúa mùa nữa. Nhận thấy nhiệm vụ của mình lúc này rất quan trọng nên chúng tôi gửi điện tín sang Philippines liên hệ với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI). Tôi là người đầu tiên được huấn luyện ở đây sau giải phóng, viện này được thành lập từ năm 1960 với những nhà khoa học gạo cội, chúng tôi muốn tranh thủ thành quả của họ về áp dụng cho Việt Nam” – GS Xuân nhớ lại.
Quang cảnh buổi họp mặt. Ảnh: Cảnh Kỳ |
Nhận được các mẫu giống lúa (IR32, IR34, IR36, IR38) từ IRRI, GS Võ Tòng Xuân đã cùng với cán bộ Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ bắt tay vào nghiên cứu, trồng thử nghiệm, kết quả cho thấy giống lúa IR36 ưu việt nhất và được chọn để nhân rộng. Lúc này, GS Xuân đề nghị lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ đóng cửa trường 2 tháng để đưa sinh viên ra đồng cùng nông dân thực hiện “chiến dịch đánh bại rầy nâu”. Lãnh đạo trường lúc đầu không đồng ý nhưng ông đã thuyết phục được.
“Sinh viên nông nghiệp khi đó chưa tới 200 em nên chúng tôi lấy thêm sinh viên sư phạm, ngoại ngữ… và dạy cho họ 3 bài cơ bản về cách sản xuất mạ, chuẩn bị đất và cấy lúa với chỉ 1 tép 1 bụi. Hai tuần sau lúa lên rất tốt, hai tháng sau sinh viên giao lại cho địa phương và nông dân, sau đó tiếp tục nhân ra và hai vụ sau đó chiến thắng được rầy nâu” – GS Xuân chia sẻ.
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ chúc mừng GS Võ Tòng Xuân vừa nhận giải thưởng VinFuture. Ảnh: Cảnh Kỳ |
Từ câu chuyện chặn đứng nạn rầy nâu, rồi vượt qua nạn thiếu đói, GS Võ Tòng Xuân cũng chia sẻ thời kỳ khó khăn khi kinh tế còn bao cấp, nông dân vào hợp tác xã nhưng “không chịu” ra đồng… Cho đến năm 1988, sản lượng lúa đạt mức cần xuất khẩu và tháng 11/1989 Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo trở lại với sản lượng 1,7 triệu tấn (trước đó đã xuất khẩu gạo từ năm 1960 qua những thương lái nước ngoài, năm 1968 thì dừng xuất khẩu do chiến tranh).
“Chúng tôi, Đại học Cần Thơ tiếp tục sát cánh với Viện Lúa Ô Môn (Viện Lúa ĐBSCL hiện nay - PV) để lai tạo ra những giống lúa mới, không phụ thuộc vào IRRI nhiều, từ từ có những giống mới hơn đến hôm nay, có những giống rất thơm, chất lượng như OM18 chẳng hạn...
Tôi không có nhiều bài báo đăng quốc tế như người ta nhưng tôi có những kết quả ngay trên đồng ruộng, nhờ đó mà nông dân sản xuất theo hướng dẫn kỹ thuật, theo kêu gọi của chính quyền địa phương, tránh được thiếu đói và đóng góp vào việc Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo” – GS Xuân chia sẻ.
Tối 20/12 vừa qua, tại lễ trao giải thưởng VinFuture năm 2023, GS Võ Tòng Xuân cùng người đồng nghiệp GS Gurdev Singh Khush được vinh danh ở hạng mục Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Đây là lần đầu tiên một nhà khoa học Việt Nam được xướng tên tại giải thưởng khoa học và công nghệ giá trị nhất hành tinh với sứ mệnh phụng sự nhân loại.
Đồ họa: Thu Trang |