Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm về nông nghiệp của Việt Nam, không những đảm bảo sinh kế cho 18 triệu dân trong vùng; còn góp phần đắc lực trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước và xuất khẩu.
Phụ nữ tham gia làm kinh tế tại ĐBSCL. Ảnh: Hòa Hội |
Hiện, ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) như: Lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do nước biển dâng; xói lở bờ sông và các rủi ro khác liên quan đến BĐKH. Ước hàng nghìn hecta đất sẽ bị ngập và hàng triệu người có thể bị mất nhà cửa, đất đai nếu mực nước biển dâng cao, đặc biệt các vùng ven biển. Diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt đất trồng lúa ngày càng bị thu hẹp, năng suất và sản lượng lúa gạo ngày càng thấp do xâm nhập mặn tăng. Ngược lại diện tích nước lợ để nuôi trồng thủy sản ngày càng giảm, các vùng tài nguyên rừng, vùng đất ngập nước và sinh vật hoang dã giảm.
Trong điều kiện BĐKH hiện nay, cần những quan điểm về định hướng phát triển mới, chuyển đổi mô hình phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích hợp hơn. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định, ĐBSCL cần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu nông nghiệp phù hợp với từng vùng sinh thái, chủ động thích ứng, thực hiện hiệu quả các dự án ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, hạn mặn; xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông.
Do vậy, các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững nhằm bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo... trong bối cảnh BĐKH đặt ra nhiều vấn đề cấp bách với ngành nông nghiệp ĐBSCL thời gian tới.
PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ phát biểu. Ảnh: Hòa Hội |
PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí - Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho rằng, việc ứng dụng nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH (Climate Smart Agriculture - CSA) có thể giúp đạt đồng thời đa mục tiêu. Giải pháp ứng dụng CSA đảm bảo đồng thời phát triển bền vững hướng tới 3 mục tiêu chính: Đảm bảo tăng năng suất và thu nhập từ nông nghiệp bền vững; xây dựng khả năng phục hồi với BĐKH; giảm hoặc loại bỏ phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh BĐKH, phụ nữ được xếp vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động của BĐKH, đặc biệt tại những khu vực nhạy cảm với thiên tai, thời tiết bất thường, vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện sản xuất cũng như mức sống còn nhiều khó khăn. Dù là đối tượng dễ bị tổn thương nhưng phụ nữ lại đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, lực lượng tiên phong trong giảm thiểu khí nhà kính khi áp dụng các hoạt động thích ứng với BĐKH, và giảm rủi ro thiên tai, thảm họa môi trường. Vì vậy, các chính sách và chương trình về khí hậu, môi trường, rủi ro thiên tai phải đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của việc ra quyết định.
Ông Vũ Xuân Việt, Quản lý chương trình, tổ chức Oxfam tại Việt Nam phát biểu. Ảnh: Hòa Hội |
Ông Vũ Xuân Việt, Quản lý chương trình, tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, từ tháng 7/2023, Oxfam hợp tác Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu triển khai Dự án Nâng cao năng lực cho thanh niên trong ứng dụng năng lượng tái tạo vào canh tác nông nghiệp ở ĐBSCL. Đến nay, dự án đã đạt được hầu hết kết quả đề ra. Qua đó thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học trong các bạn sinh viên, nâng cao nhận thức về vai trò của giới trong các đề tài nghiên cứu, khảo sát và thảo luận với cộng đồng cũng như gắn kết vai trò tham gia của cả nam giới, nữ giới và các nhóm yếu thế trong các hoạt động của dự án.
TS. Trần Đại Nghĩa - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn liền với việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên như rừng, đất, nước, thủy sản... Do đó, việc chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên, góp phần tăng trưởng kinh tế, bền vững môi trường góp phần vào thực hiện các mục tiêu khí hậu và phát triển bền vững của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chính sách nông nghiệp nhằm kích hoạt các đổi mới sáng tạo cho chuyển đổi hệ thống lương thực trong thời gian tới của Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào chất lượng, an toàn và giá trị gia tăng sản phẩm. Đi kèm với hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm chất thải và tăng khả năng phục hồi trước các rủi ro kinh tế và môi trường, bao gồm cả BĐKH.