Huy động tàu chiến, máy bay để ghi hình
Sau khi xem cảnh Khánh Hòa hát Nơi ấy là Trường Sa cùng dàn nhạc giao hưởng giữa biển trời Tổ quốc trong phim Trường Sa - Bến bờ trong nhau, khán giả tại hội trường Bộ Tư lệnh Thủ đô đồng loạt vỗ tay.
Cảnh quay tạo nên cảm xúc tổng hòa từ vẻ đẹp của âm nhạc, sự bao la hùng vĩ của cảnh quan và tình yêu quê hương đất nước. Đạo diễn Phú Trần cho hay cảnh quay này có được nhờ sự hỗ trợ của Quân chủng Hải quân giúp đoàn làm phim khảo sát rất nhiều địa điểm, tính toán vị trí neo đậu các con tàu vừa lấy được góc đẹp vừa đảm bảo bí mật quân sự, đưa hàng trăm nhân sự tới điểm ghi hình…
Cảnh quay hoành tráng cùng dàn nhạc giao hưởng trên tàu cứu hộ Yết Kiêu. Ảnh: NVCC |
Các nghệ sĩ phải dậy từ 2 rưỡi sáng để trang điểm, 4h vào vị trí quay. Đoàn phim bấm máy từ 5h để có cảnh bình minh đẹp nhất, sau 7 rưỡi sáng không thể quay được vì quá nắng.
Về cảnh quay trong mơ này, Phú Trần nhận xét: “Đứng giữa biển khơi, biểu diễn và thưởng thức một ca khúc hào hùng về lãnh hải đất nước, mọi người đều thực sự xúc động, tự hào và kiêu hãnh”.
Ê-kíp có nhiều khoảnh khắc cảm xúc dâng trào. Chẳng hạn các chiến sĩ tuần tra bằng xuồng máy, cứ khi nào máy quay lại xuất hiện các “diễn viên tình nguyện” là bầy cá heo bơi theo xuồng. Âm thanh cá heo phát ra cũng được đưa vào phim.
Nhiều người gọi đùa phim của Khánh Hòa là “bom tấn” khi chị được hỗ trợ nhiều tàu chiến, tàu vận tải, tàu chuyển tải, máy bay, ô tô để thực hiện các cảnh phim, huy động hơn 1.000 lượt người tham gia ghi hình từ vai chính đến vai diễn quần chúng...
Bộ phim có nhiều góc quay đẹp về biển đảo Việt Nam. |
Từ lúc khởi động đến hoàn thành kéo dài gần 2 năm, trong đó có gần 1 tháng đoàn ghi hình gần tại bán đảo Cam Ranh, Vùng 4 Hải quân, quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Ê-kíp thường xuyên làm việc khoảng 20 tiếng mỗi ngày, trong nhiệt độ có những lúc gần 45 độ C. Tuy nhiên ai cũng hăng hái làm việc không biết mệt vì tình yêu với biển đảo quê hương, với chiến sĩ Trường Sa.
Chiến sĩ hải quân tham gia diễn xuất
Phim kể về một gia đình có cha và con trai cùng là lính. Người mẹ và người vợ đều làm giáo viên. Cặp vợ chồng trẻ đều là con của hai cựu binh Trường Sa.
Phim nói lên những khó khăn gian khổ mà lính đảo cũng như người nhà ở hậu phương phải vượt qua, đồng thời cho thấy đời sống của các chiến sĩ ngày càng được cải thiện. Những cặp vợ chồng lính Trường Sa hôm nay cũng không phải chịu cảnh xa nhau đằng đẵng như trước đây.
NSƯT Khánh Hòa chia sẻ: “Trường Sa là tình yêu lớn nhất, sâu sắc nhất trong tôi. Mỗi lần đi, cảm xúc lại được bồi đắp thêm, sâu sắc hơn. Được gặp gỡ, làm việc với các chiến sĩ, người dân nơi đây, tôi luôn cảm thấy chứa chan tình người, cháy bỏng tình yêu Tổ quốc. Tôi như bị nghiện cảm giác đó và luôn sẵn sàng trở lại”.
Đó chính là động lực để Khánh Hòa cùng nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm thực hiện kịch bản phim, từ đó chọn lựa 8 bài hát phù hợp kèm theo.
Huyền Thạch và Bình An đẹp đôi trong phim. |
Các bài hát ở đầu phim Gửi cánh chim biển (nhạc và lời: Võ Thiên Lan, phối khí: Đỗ Bảo), Tình anh (Đình Dũng - Huyền Trung), Mẹ kể con nghe (Xuân Bình - Huyền Trung) tái hiện cuộc sống đời thường, tình yêu và những mong ước bình dị của người lính hải quân.
Hai ca khúc Nơi ấy là Trường Sa (Xuân Nghĩa, Trần Mạnh Hùng) và Ngọn nến tri ân (An Hiếu, Ngô Minh Hoàng) được ca sĩ thể hiện cùng dàn nhạc giao hưởng. Xen kẽ những cảnh quay phô diễn lực lượng Quân chủng Hải quân Việt Nam tinh nhuệ, hiện đại với vũ khí, tàu pháo, tên lửa, tàu buồm, tàu ngầm, máy bay…
Các bài hát cuối phim như Đảo xa Tổ quốc (Quỳnh Hợp, Minh Đạo), Bâng khuâng Trường Sa (nhạc và lời: Lê Đức Hùng, Nguyễn Thế Kỷ, phối khí: Phơ Nguyễn), và liên khúc Tình biển - Chào Trường Sa (Trần Quang Huy - Lưu Hà An, Phơ Nguyễn) sử dụng tiết tấu EDM sôi động, phù hợp với giới trẻ.
Đoàn làm phim đi cùng đoàn công tác ra quần đảo Trường Sa nên có những cảnh quay thật và diễn xuất xen kẽ. Lễ tưởng niệm Gạc Ma đầy xúc động ở cuối phim là cảnh thực tế.
Những câu chuyện trong phim được chắt lọc từ chính những lần đi Trường Sa của cả NSƯT Khánh Hòa, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm hay nhiều người trong ê-kíp.
Chẳng hạn người vợ trẻ viết thư chưa kịp gửi cho chồng thì chồng đã hy sinh, nên nhờ con dâu mang thư ra Trường Sa thả vào lòng biển, hay tình tiết bé Xuân Trường khi đi học bị bạn trêu không có bố, mẹ của bé cắt áo của bố, may nhỏ lại cho con mặc và nói dối đó là quà tặng bố gửi về từ Trường Sa…
NSƯT Khánh Hòa: "Tôi chỉ là hạt cát trên bãi biển rộng lớn, tôi chỉ là đốm lửa nhỏ bên bó đuốc rực cháy. Tôi hạnh phúc khi được đồng hành cùng mọi người thực hiện bộ phim này". |
Tham gia diễn xuất trong phim có diễn viên chuyên và không chuyên. Đặc biệt các anh lính Trường Sa chính hiệu thể hiện rất tự nhiên vai đồng đội cũng như thủ trưởng của nam chính do Bình An thủ diễn. Cặp diễn viên Bình An - Huyền Thạch rất ngọt trong vai vợ chồng trẻ.
Ở đầu phim, Khánh Hòa phải đóng vai người vợ trẻ cùng diễn viên Tiến Lộc kém chị 10 tuổi. Mặc dù gặp chút trở ngại về tuổi tác nhưng chị diễn xuất khá tốt, nhất là ở những cảnh thể hiện nỗi đau mất chồng. Trong Trường Sa - Bến bờ trong nhau, Khánh Hòa thể hiện giọng hát đa dạng, đang ở độ chín.
Phim lên sóng vào 14h10 ngày 4/8, đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc (2 và 5/8/1964).