Phim Mùa hè đẹp nhất của đạo diễn mới Vũ Khắc Tuận quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như NSND Việt Anh, NSƯT Công Ninh, diễn viên trẻ Trần Nghĩa, Khánh Vân…là phim điện ảnh Việt duy nhất được chiếu trong tháng 6 và 7. Mùa hè đẹp nhất khởi chiếu từ 28/6 và rời rạp sau một tháng với doanh thu hơn 4 tỷ đồng (theo Box Office Vietnam).
Một số phim Việt ra mắt từ đầu mùa hè đều thất bại cả về chất lượng lẫn doanh thu. Loạt phim B4S: Trước giờ yêu, Đóa hoa mong manh, Cái giá của hạnh phúc, Án mạng lầu 4, Móng vuốt phải rời rạp sớm vì không có khán giả đoái hoài. Trong đó, doanh thu của Đóa hoa mong manh thấp nhất, chỉ đạt hơn 430 triệu đồng.
Nhiều phim ra mắt trong mùa hè rơi vào cảnh thất thu, sớm rời rạp |
Doanh thu phim Việt tính đến cuối tháng 7 đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật nhất là Mai của đạo diễn Trấn Thành và Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải. Mai thu về hơn 500 tỷ đồng, Lật mặt 7: Một điều ước thu khoảng 482 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu phòng vé Việt đạt 150 triệu USD (gần 3.700 tỷ đồng), tương đương khoảng 90% trước thời điểm dịch COVID-19.
Đại diện Box Office Vietnam cho biết, trong nửa đầu năm 2024 chỉ có đôi ba phim nội địa có doanh thu tốt, phần còn lại không thể vượt mốc 30 tỷ đồng - mốc trung bình để một phim điện ảnh có lời. “Sau đợt dịch COVID-19, có thể nhận thấy sự thay đổi lớn về nhu cầu của khán giả. Mai và Lật mặt 7 thắng lớn khi đánh trúng tâm lý người xem. Có rất nhiều nhà làm phim tâm huyết, tuy nhiên khán giả trong thời đại này thay đổi quá nhanh khiến cách làm phim của những năm trước không còn phù hợp, khó thu hút khán giả”, đại diện Box Office Vietnam khẳng định.
Mở rộng quy mô cụm rạp
Nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho rằng, Mai và Lật mặt 7: Một điều ước có thể đạt doanh thu tốt hơn nếu cụm rạp ở Việt Nam nhiều hơn. “Số lượng cụm rạp ở Việt Nam còn hạn chế. Một bộ phim vào những thời điểm ăn khách nhất có thể xếp được tối đa hơn 5 nghìn suất chiếu. Nếu cùng một thời điểm, một bộ phim có thể xếp được 10.000 suất chiếu/ngày, doanh thu sẽ khác. Số lượng rạp không đáp ứng được đúng nhu cầu của những bộ phim bom tấn”, nhà phê bình Phong Việt nêu.
Nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt nhận định, những năm gần đây mùa phim hè thường là mùa thấp điểm của điện ảnh Việt. Các nhà làm phim không dám mạo hiểm tung “đứa con tinh thần” ra thị trường, bởi họ ngại đụng độ với “bom tấn” nước ngoài. Đây cũng là nguyên do khiến mùa phim hè thường là sân chơi của một số nhà sản xuất trẻ với những phim có kinh phí sản xuất thấp.
“Mùa hè được coi là một kỳ nghỉ dài, nhưng chúng ta phải nhường lại thị trường cho phim bom tấn nước ngoài. Điểm đặc biệt của mùa phim hè năm nay là phim hoạt hình đều đạt doanh cao, nhiều phim cán mốc trên 100 tỷ đồng. Phim hoạt hình không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí của các em nhỏ mà phù hợp với tất cả thành viên trong gia đình”, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nêu.
Chuyên gia điện ảnh cũng chỉ ra một điểm yếu của điện ảnh Việt trong mùa phim hè là không có phim hoạt hình. Việt Nam đang bỏ ngỏ dòng phim dễ hốt bạc này. Nhìn lại nhiều phim Việt vừa qua vẫn chạy theo đề tài cũ, cách kể chuyện quen thuộc từ hàng chục năm trước khiến khán giả quay lưng.
Không thể trông chờ vận may
Nhìn lại 7 tháng đầu năm, nhiều chuyên gia khẳng định, điện ảnh Việt có chất lượng trồi sụt, bất thường. Ngoài tác phẩm của Trấn Thành, Lý Hải, không phim nào gây được tiếng vang, đạt doanh thu tốt. Điều này chứng minh, thị trường điện ảnh Việt Nam không bền vững.
Ngày xưa có một chuyện tình được kỳ vọng đem đến sự khởi sắc cho phim Việt nửa cuối năm |
“Sự bấp bênh, bất ổn đó khiến khán giả mất niềm tin vào những tác phẩm còn lại trên thị trường, trừ phim của một số tên tuổi đạo diễn bảo chứng doanh thu phòng vé. Một số phim khai phá những đề tài có chút mới lạ như Móng vuốt, Mùa hè đẹp nhất, Cái giá của hạnh phúc... góp phần đa dạng hóa thị trường phim, nhưng câu chuyện, cách khai thác chưa đủ hấp dẫn, hút khán giả ra rạp”, nhà phê bình Phong Việt nêu.
Qua những phim Việt thành công trên thị trường có thể thấy, nhu cầu của khán giả đang hướng tới những câu chuyện gia đình khiến khán giả có thể thấy bóng dáng họ. Các chuyên gia nhận định, từ đây đến hết năm 2024, khó xuất hiện những tác phẩm nổi bật, mang đến doanh thu khả quan. Phần lớn các phim ra rạp dịp cuối năm thuộc thể loại kinh dị như Ma da, Cám...
Đề tài phim kinh dị này khá mới lạ khi khai thác từ chất liệu dân gian, truyền thuyết đô thị nhưng chất lượng phim lại là ẩn số. Bên cạnh đó, dòng phim chuyển thể cũng được chờ mong vào nửa cuối năm. Trước đó, nhiều tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn đạt doanh thu tốt.
“Phim chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ vắng khách, Ngày xưa có một chuyện tình vì thế được kỳ vọng tạo tiếng vang cho thị trường điện ảnh nửa cuối năm. Tôi cho rằng có một tác phẩm đạt doanh thu 70 tỷ đồng”, đại diện Box Office Vietnam nhận định.
Để ngành điện ảnh có những thay đổi thực chất với chất lượng đồng đều hơn, các nhà sản xuất cần hoàn thiện hơn nữa ở từng khâu sản xuất từ ý tưởng, kịch bản, cách khai thác cho đến quảng bá. Phải nhìn thẳng vào thực tế, điện ảnh đang mất dần sức hút, phải cạnh tranh với nền tảng giải trí trực tuyến phát triển như vũ bão. Khán giả mở hầu bao mua vé không còn là chuyện ăn may, dễ dãi như trước nữa.