70 năm ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ - kỳ cuối: Thắng lợi mang tầm vóc thời đại

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, bên cạnh việc đàm phán để đi đến việc lập lại hòa bình ở Đông Dương thì vấn đề phân chia giới tuyến ở hai miền Nam - Bắc nước ta đã diễn ra rất căng thẳng. Cuối cùng, phương án phân chia tại vĩ tuyến 17 được các bên thông qua, để khép lại tiến trình đàm phán tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình cho các nước Đông Dương.

Ranh giới tại vĩ tuyến 17

Bà Hà Thị Ngọc Hà - con gái của cố Đại sứ Hà Văn Lâu - cho biết: “Sau này, mỗi khi kể chuyện về Hội nghị Giơ-ne-vơ cho tôi nghe, ba tôi thường nói giá như hồi đó đàm phán được để lùi sâu hơn vĩ tuyến 17 thì tốt biết mấy. Khi đó tôi đã nói, sau khi được đọc cuốn hồi ký của ba, có thể thấy tình thế lúc đó ký kết như vậy là hết mức có thể rồi ba ạ”.

Sau cuộc nói chuyện với bà Ngọc Hà, tôi được bà cho mượn cuốn hồi ký “Hà Văn Lâu người đi từ bên làng Sình” để mang về đọc. Trong cuốn sách này, đại sứ Hà Văn Lâu kể, trong đàm phán tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, việc lập lại hòa bình tại nước ta liên quan đến việc phân chia giới tuyến. Thời gian này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu và ông Hà Văn Lâu được đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) giao nhiệm vụ đến gặp thiếu tướng Đen-tây và đại tá Brê-bít-xông, đại diện Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương để bàn về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trước khi đi, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng dặn, với đại ý: Đình chiến có nghĩa là không đánh nhau, chấm dứt chiến tranh, mang lại hòa bình cho đất nước. Nếu đối phương đề nghị phân chia giới tuyến để tập kết chuyển quân thì ta có thể đồng ý. Phân giới tuyến, tốt nhất là dồn lực lượng địch xuống vĩ tuyến 13.

70 năm ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ - kỳ cuối: Thắng lợi mang tầm vóc thời đại ảnh 1

Trưởng đoàn VNDCCH Phạm Văn Đồng tới dự Hội nghị Giơ-ne-vơ. Ảnh: T.L.

Theo tinh thần chỉ đạo của Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng, tại cuộc gặp sau đó với thiếu tướng Đen-tây và đại tá Brê-bít-xông, Thứ trưởng Tạ Quang Bửu đặt cả hai bàn tay lên tấm bản đồ bao trùm cả Bắc bộ và miền Trung, Trung bộ rồi nói: “Chúng tôi cần một khu vực hoàn chỉnh có thủ đô, hải cảng, trung tâm kinh tế, văn hóa từ vĩ tuyến 13 trở ra”. Rồi Thứ trưởng Tạ Quang Bửu phân tích từ Quy Nhơn trở ra là vùng tự do Liên khu 5 của ta sẵn có từ lâu, nên tạm thời chia cắt Việt Nam theo vĩ tuyến 13 là phù hợp hơn cả. Nhưng những người đại diện của Pháp không đồng ý, họ đòi lấy đến vĩ tuyến 18 tới tận Đồng Hới (Quảng Bình), vì cần con đường số 9 để liên lạc với Lào.

Những ngày này, đối với đoàn VNDCCH, Giơ-ne-vơ giống như một mặt trận, tuy không có đổ máu hy sinh, nhưng căng thẳng và ác liệt chẳng kém. Thứ trưởng Tạ Quang Bửu và ông Hà Văn Lâu đấu tranh liên tục với Đen-tây và Brê-bít-xông về mốc phân chia giới tuyến. Hai viên tướng, tá cáo già này luôn kỳ kèo, “bớt một, thêm hai” cố lấy vĩ tuyến 18 làm mốc giới để có lợi cho họ. Sau cùng, ta đàm phán xuống vĩ tuyến 16, để có được Đà Nẵng và cố đô Huế, nhưng đại diện của Pháp vẫn không chịu.

Từ ngày 10 đến 20/7/1954 là giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán. Các đoàn làm việc rất khẩn trương để giải quyết những vấn đề then chốt. Về vấn đề đình chiến ở Lào và Campuchia, Đoàn Việt Nam đấu tranh quyết liệt, nhưng chỉ giành được khu tập kết cho Phathet Lào ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phông Xa Lỳ, mà không đạt được việc điều chỉnh vùng đóng quân cho Khơme Ítxarắc. Về vấn đề giới tuyến phân vùng và thời hạn tuyển cử ở Việt Nam, tại cuộc họp vào ngày 20/7/1954, 5 trưởng đoàn Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và VNDCCH đã thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân vùng, và thời hạn tổng tuyển cử ấn định là hai năm.

Thắng lợi lớn của nền ngoại giao Việt Nam

Theo cuốn “Hà Văn Lâu người đi từ bến làng Sình”, Đại sứ Hà Văn Lâu cho biết, sau hơn 2 tháng đấu tranh trên bàn đàm phán, Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kết thúc. Ở khâu cuối này, chỉ có một trục trặc nhỏ, đó là bản dịch của Hiệp định Giơ-ne-vơ sang tiếng Việt không khớp hoàn toàn với tiếng Pháp, nên phải sửa lại đến 2 giờ 45 phút sáng 21/7/1954 mới hoàn thành. Ngày 21/7/1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc, thông qua tuyên bố chung. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và thiếu tướng Đen-tây, đại diện Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương đã ký Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam. Tuy vậy, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã ghi ngày 20/7/1954, để cho đúng thời hạn như lời của Thủ tướng Pháp Mendes France đã hứa trước đó.

Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp dạng hẹp, với thiện chí của phái đoàn Việt Nam, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương đã được ký kết. Ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và tuyên bố cuối cùng của Hội nghị tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

70 năm ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ - kỳ cuối: Thắng lợi mang tầm vóc thời đại ảnh 2

Thứ trưởng Tạ Quang Bửu, đại diện Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương. Ảnh: T.L.

Theo Hiệp định đã ký kết, nước Việt Nam bị tạm thời chia cắt thành hai miền qua vĩ tuyến 17. Sự chia cắt đó chỉ là tạm thời, hai miền phải thống nhất trước tháng 7/1956 bằng tổng tuyển cử tự do và dân chủ. Trong thời gian này, người dân có quyền lựa chọn ở miền Bắc hay miền Nam. Nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Một Ủy ban Giám sát quốc tế gồm Ba Lan, Ấn Độ và Canada sẽ giám sát việc thi hành các điều khoản của Hiệp định.

Sau này, với sự hậu thuẫn của Đế quốc Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cố tình phá vỡ cuộc tổng tuyển cử tự do được quy định tại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Tuy nhiên, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã mở ra thời kỳ chiến lược mới của Cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết không chỉ là thắng lợi của Việt Nam, mà còn là thắng lợi chung của ba nước Đông Dương, và cũng là thắng lợi của các dân tộc bị áp bức trong đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

MỚI - NÓNG
Mang yêu thương khoả lấp buồn đau cho Làng Nủ
Mang yêu thương khoả lấp buồn đau cho Làng Nủ
TPO - Ngày 14/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong đã thay mặt các nhà hảo tâm trao tặng số tiền ủng hộ trị giá 500 triệu đồng cho các nạn nhân tử vong do bão YAGI tại tỉnh Lào Cai và vào được Làng Nủ ở huyện Bảo Yên để chia sẻ nỗi đau thương của bà con nơi đây.