70 năm ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ - Kỳ 1: Bước ngoặt từ chiến thắng Điện Biên Phủ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại sứ Hà Văn Lâu là một thành viên chủ chốt trong đoàn đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Thông qua những tư liệu, hồi ký do ông để lại về Hội nghị Giơ-ne-vơ đã giúp chúng ta có thêm góc nhìn đầy đủ hơn về kết quả của Hiệp định Giơ-ne-vơ lịch sử được ký kết 70 năm về trước. Hiệp định đã mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta diễn ra những năm sau đó.

Cuốn hồi ký của đại sứ Hà Văn Lâu

Gần hai năm trước, tôi có dịp gặp bà Hà Thị Ngọc Hà, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Chi-lê (nhiệm kỳ 2011-2014), con gái của đại sứ Hà Văn Lâu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước). Hôm đó, bà Hà thay mặt gia đình đến để trao tặng những tài liệu, kỷ vật của cố Đại sứ Hà Văn Lâu cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3. Trong phát biểu hôm đó, bà Hà cho biết những tư liệu về Hội nghị Giơ-ne-vơ, Hội nghị Paris..., mà cố Đại sứ có dịp tham gia, sau đó được ông ghi chép lại và giữ gìn cẩn thận trong nhiều năm. Nay những tư liệu này được gia đình cố Đại sứ gửi lại để Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 lưu giữ.

70 năm ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ - Kỳ 1: Bước ngoặt từ chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 1

Bà Hà Thị Ngọc Hà (bìa trái) giới thiệu những tư liệu của cố đại sứ Hà Văn Lâu được gia đình gửi tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3

Ảnh: KIẾN NGHĨA

Gần đây, tôi đến gặp bà Ngọc Hà để hỏi chuyện về những điều bà biết từ cha mình về Hội nghị Giơ-ne-vơ (được tổ chức tại Thụy Sĩ) bảy mươi năm về trước. Bà Hà cho biết, khi Hội nghị Giơ-ne-vơ diễn ra, bà chưa ra đời, nhưng sau này, thỉnh thoảng được cha kể về Hội nghị này nên có những hiểu biết nhất định. “Những thông tin về Hội nghị Giơ-ne-vơ đã được cha tôi ghi chép lại, nằm trong số tư liệu đã gửi vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 bữa trước. Có thể nói, ba tôi giữ những tài liệu đó còn hơn tính mạng của mình. Những năm cuối thập niên chín mươi của thế kỷ trước, khi ba mẹ tôi quyết định về quê nhà Huế để sống, số tài liệu này cũng được mang theo. Năm 1999, Huế bất ngờ diễn ra trận lụt lịch sử, nước ngập nhanh vào nhà nhưng ba tôi không chịu rời đi mà bận chuyển tài liệu lên gác xép. Đến khi chuyển được tài liệu lên cao an toàn thì nước ngập sâu, may mà lực lực lượng ứng cứu đến kịp đưa được bố mẹ tôi ra ngoài”, bà Ngọc Hà bồi hồi nhớ lại.

70 năm ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ - Kỳ 1: Bước ngoặt từ chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 2

Cuốn sách “Hà Văn Lâu người đi từ bến làng Sình”

Bà Ngọc Hà cho biết, sau trận lụt lịch sử trên vài năm, nhà văn Trần Công Tấn, một đồng đội cấp dưới của đại sứ Hà Văn Lâu từ thời ông còn là chỉ huy trưởng Mặt trận Bình Trị Thiên (đầu năm 1947) đã khuyên ông nên viết một cuốn hồi ký. Ban đầu, Đại sứ Hà Văn Lâu không muốn viết sách, nhưng sau khi được đồng đội cũ thuyết phục, ông đã kể chuyện để nhà văn Trần Công Tấn ghi lại, đồng thời gửi thêm một số tư liệu mà đại sứ đã ghi chép trước đây như về Hội nghị Giơ-ne-vơ, Hội nghị Paris…để nhà văn viết sách. Năm 2004, cuốn sách “Hà Văn Lâu người đi từ bến làng Sình” được xuất bản, có thể coi đó là cuốn hồi ký của Đại sứ Hà Văn Lâu. Nội dung cuốn sách ghi lại cuộc đời của Đại sứ Hà Văn Lâu từ khi ông sinh ra tại làng Sình bên bờ sông Hương xứ Huế đến khi ông tham gia Cách mạng, rồi tham dự các sự kiện lớn mang tầm vóc thời đại như Hội nghị Giơ-ne-vơ, Hội nghị Paris… Đưa tôi xem cuốn hồi ký “Hà Văn Lâu người đi từ bến làng Sình”, bà Ngọc Hà cho biết: “Đọc cuốn sách này, tôi hiểu hơn về Hội nghị Giơ-ne-vơ. Đây là một hội nghị mà sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta”.

Đêm không ngủ trước ngày tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ

Bà Hà Thị Ngọc Hà cho biết, trong những năm chống thực dân Pháp, Đại sứ Hà Văn Lâu đã tham gia các chiến dịch như Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc. Đầu tháng 3/1954, với cương vị Cục phó Cục Tác chiến, ông Hà Văn Lâu chuẩn bị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ thì Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lệnh điều động ông ở lại để tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đi dự Hội nghị Giơ-ne-vơ. Thời gian đó, một trong những lý do Cục phó Hà Văn Lâu được chọn tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ vì ông giỏi tiếng Pháp, nên tham gia đoàn với danh nghĩa chuyên gia quân sự. Để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới, ông Hà Văn Lâu đã thu thập các tài liệu về tình hình chiến sự lúc đó để phục vụ cho việc đàm phán của đoàn VNDCCH khi Hội nghị Giơ-ne-vơ diễn ra.

Theo cuốn “Hà Văn Lâu người đi từ bến làng Sình”, đại sứ Hà Văn Lâu kể, đầu năm 1954, tại Hội nghị tứ cường (gồm Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ) họp tại Berlin (Đức) đã quyết định sẽ triệu tập một hội nghị quốc tế tại Giơ-ne-vơ để giải quyết hai vấn đề về chiến tranh tại Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 26/4/1954, khi quân đội Việt Nam kết thúc chiến dịch tiến công đợt 2 ở Điện Biên Phủ thì Hội nghị Giơ-ne-vơ bắt đầu được khai mạc. Lúc này, đoàn VNDCCH chưa chính thức được mời và khi đó, Hội nghị Giơ-ne-vơ bắt đầu bàn về vấn đề chiến tranh tại Triều Tiên.

70 năm ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ - Kỳ 1: Bước ngoặt từ chiến thắng Điện Biên Phủ ảnh 3

Bà Hà Thị Ngọc Hà bên những tư liệu của cố đại sứ Hà Văn Lâu được gia đình gửi tặng cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3

Ảnh: KIẾN NGHĨA

Mặc dù chưa chính thức được mời, nhưng ngày 4/5/1954, đoàn VNDCCH do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đã chủ động đến Giơ-ne-vơ. Lúc này, tình hình chiến sự tại Việt Nam đang diễn ra rất khẩn trương. Trên chiến trường, quân ta đẩy mạnh tiến công vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong khi đó, tại Giơ-ne-vơ, đoàn ta vẫn chủ động chuẩn bị các nội dung đấu tranh trong đàm phán, dự kiến các tình huống diễn ra và lập phương án giải quyết trên bàn hội nghị. Vài ngày sau, chiều 7/5/1954, tin quân đội Việt Nam đã đánh bại tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ đã gây chấn động thế giới. Trong hồi ký của mình, đại sứ Hà Văn Lâu kể, khi tin chiến thắng Điện Biên Phủ tới cũng là lúc đoàn ta nhận được lời mời tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về vấn đề hòa bình ở Đông Dương, sẽ diễn ra vào 16 giờ ngày 8/5/1954. Đêm hôm đó, tại trụ sở của Đoàn ở Giơ-ne-vơ, đèn rực sáng suốt đêm. Không ai ngủ được. Điện thoại, điện tín của bạn bè các nước từ khắp nơi trên thế giới và trong nước đã gọi đến, gửi tới để chúc mừng. Các nhà báo quốc tế đến vây trước cổng trụ sở đoàn ta để đề xuất được gặp và phỏng vấn. Lúc này, theo chỉ đạo chung, Đoàn ta chưa tiếp, lịch sự cảm ơn các nhà báo quốc tế đã quan tâm đến Việt Nam và các nước Đông Dương, nhưng hẹn ngày mai, tiếng nói chung của Việt Nam diễn ra trong hội nghị để trả lời cho tất cả...

(Còn nữa)

Với chiến thắng Điện Biên Phủ, bài phát biểu của Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng tại Hội nghị cũng cần sửa lại so với chuẩn bị trước đó, để nâng cao vị thế của Việt Nam tại bàn đàm phán. Trong đêm 7/5/1954, mọi thành viên của đoàn ta đều làm việc suốt đêm để chuẩn bị cho cuộc tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về vấn đề hòa bình ở Đông Dương, sẽ bắt đầu từ chiều 8/5/1954.

MỚI - NÓNG