Thi vào 10 ở TPHCM: Thí sinh, giáo viên nhận xét gì về đề Văn?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các giáo viên, đề thi Ngữ Văn tuyển sinh 10 năm nay của TPHCM tương đối hay và vừa sức với các em học sinh nhưng vẫn có tính phân hóa nhất định.

Thí sinh tự tin nói về đề thi lớp 10 môn Văn tại TPHCM. Clip: Nhàn Lê

Sáng nay (6/6), hơn 98.000 học sinh tại TPHCM đã bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 – 2024 bằng bài thi môn Ngữ Văn kéo dài 180 phút.

Thi vào 10 ở TPHCM: Thí sinh, giáo viên nhận xét gì về đề Văn? ảnh 1

Thí sinh hớn hở rời điểm thi sau bài thi môn Ngữ Văn

Sau kết thúc môn thi, nhiều giáo viên Ngữ Văn tại TPHCM nhận định đề thi hay và vừa sức với học sinh.

Đánh giá tổng thể về đề thi, thầy Võ Kim Bảo – Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 cho hay, đề thi gần gũi với thí sinh, không đánh đố, làm khó nhưng vẫn có tính phân hóa nhất định. Cụ thể:

1. Đọc hiểu

Ngữ liệu của phần đọc hiểu hay, kết hợp cả văn xuôi và thơ nên có nhiều “đất” để khai thác. Câu hỏi của đề cũng vừa hỏi về phần văn xuôi, vừa hỏi đề phần thơ, đây là điểm hay đáng chú ý của đề.

Các câu hỏi của phần này cũng khá đơn giản, học sinh với học lực trung bình cũng có thể hoàn thành tốt phần này. Điều này giúp các em tự tin hơn trong quá trình làm bài thi.

2. Nghị luận xã hội

Theo tôi, đây là câu có tính phân hóa cao. Với đề “Biết nghĩ bằng con tim”, học sinh sẽ không cảm thấy quá nặng nề, ngược lại các em chắc chắn có rất nhiều ý tưởng để viết cho đề bài này.

Tuy nhiên, để đạt được điểm cao (2.5/3.0 trở lên) thì không dễ. Trước tiên các em phải đưa ra được lí giải của mình: “nghĩ bằng con tim” là như thế nào? Có được lí giải hợp lí các em mới có thể tìm ra những luận điểm phù hợp. Người viết phải có cái nhìn đa chiều, đưa ra những kiến giải rất sâu sắc mới được đánh giá cao.

3. Nghị luận văn học

Đề bài này không gây bất ngờ với phần lớn GV và HS, vì nó rất gần gũi và các em cũng đã được ôn tập rất kĩ lưỡng. Tuy nhiên, có một số em học tủ, học vẹt, đoán đề nên có suy nghĩ loại bỏ đề này vì thi tuyển sinh lớp 10 năm ngoái (câu 3, đề 2) đã cho ra chủ đề “tình cảm gia đình”. Và trong đề cũng có gợi ý tác phẩm “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vì thế mà nhiều em bỏ qua, không ôn tập kĩ. Đây là một sai lầm rất đáng tiếc.

Đề 1:

Đề thi yêu cầu “Phân tích tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha” là một đề rất vừa sức thí sinh. Chưa kể các yêu cầu phụ cũng rất tường minh, rõ ràng. Tôi dự đoán sẽ có nhiều bài viết tốt, có chất lượng về đề bài này. Với một đề bài không quá khó, những bài điểm cao chắc chắn sẽ là những bài thể hiện rõ nét kĩ năng của người viết như: kĩ năng tạo luận điểm, kĩ năng lập luận, phân tích…

Tuy nhiên, chắc chắn nhiều em yếu kĩ năng sẽ khó phân tích vì đây là dạng đề cho phân tích tâm lí, tình cảm của nhân vật. Người viết sẽ phải lí giải từng hành động, cử chỉ, lời nói thông qua việc phân tích tâm lí để làm rõ tình cảm của nhân vật bé Thu dành cho cha. Có em vì không ôn tập kĩ, không thường xuyên rèn luyện sẽ sa đà vào việc kể chuyện thay vì phân tích tâm lí nhân vật.

Đề 2:

Đề 2 là một đề mở và nhiều sáng tạo. Học sinh có thể chọn một tác phẩm thơ (hoặc 1 đoạn thơ bất kì) để phân tích. Trong trường hợp không thuộc thơ, HS có thể phân tích đoạn thơ được gợi ý trong đề. Như vậy, đề chú trọng kĩ năng, thực lực làm bài của thí sinh nhiều hơn là bắt thí sinh phải học thuộc lòng. Đây là một điểm sáng đáng ghi nhận của đề thi môn Ngữ văn ở TP. Hồ Chí Minh nhiều năm nay.

Đề thi là một tình huống cụ thể, bài viết của các em không chỉ phải phân tích được 1 đoạn thơ/bài thơ mà còn phải hướng vào việc giải quyết tình huống đó. Đối với những em chỉ chọn 1 đoạn thơ/bài thơ bất kì để phân tích mà không giải quyết được tình huống sẽ dừng lại ở mức điểm khá.

Các vấn đề cần được giải quyết trong đề như: Cách để cảm nhận một bài thơ, chia sẻ về những tình cảm sâu sắc mà thơ ca đã gợi nên (thơ ca nói chung chứ không phải là một tác phẩm cụ thể)…

Thi vào 10 ở TPHCM: Thí sinh, giáo viên nhận xét gì về đề Văn? ảnh 2

Đồng quan điểm, thầy Đỗ Đức Anh – giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 cho hay, ở phần đọc hiểu, vấn đề ở đây không mới, chủ đề tình yêu quê hương, biển đảo được ra nhiều trong các đề thi trước đây, học sinh cũng tiếp cận nhiều trong đời sống nên không có quá khó. Riêng câu a, học sinh chỉ cần đọc văn bản, lọc ra là trả lời được.

Ở câu D viết đoạn văn 4 – 6 dòng là câu hỏi mở để học sinh trình bày quan điểm, lập trường của mình. “Đánh giá phần đọc hiểu là không quá thử thách cho thí sinh. Với phần này, học sinh cần 15 phút là hoàn thành trả lời các câu hỏi”, thầy Đỗ Đức Anh nói.

Ở phần nghị luận xã hội, đề văn khá hay khi cho học sinh nêu quan điểm đồng tình hay không đồng tình “nghĩ bằng khối óc” hay “biết suy nghĩ bằng con tim” hay không? Đây không phải là vấn đề lớn lao, cao siêu, ở độ tuổi 15 này là các em đã trả lời được câu hỏi này, không quá khó khăn, thử thách mà chỉ là các em vận dụng tới đâu, độ sâu bài viết ở mức độ nào mà thôi”, thầy Anh phân tích.

Tuy nhiên, thầy Anh bày tỏ băn khoăn khi ở câu nghị luận văn học, lo sợ yếu tố thời gian khi đề đã yêu cầu học sinh viết một bài nghị luận xã hội nay lại viết thêm một bài nghị luận văn học, việc này sẽ khiến các bạn học sinh tốn nhiều thời gian, nhất là với các bạn không biết xử lý đề tốt.

Còn với đề số 2, so với mọi năm thì tương đối nhẹ nhàng, không bị nặng nề quá mức về tính lý luận văn học. “Nếu như thí sinh nào hơi ngán đề số 1, do quá dài, không nhớ dẫn chứng ở đề số 1 thì có thể lựa chọn đề số 2. Đề này chỉ cần các bạn có khả năng hiểu biết, diễn đạt tốt và muốn thoát ra khỏi một bài nghị luận văn học đơn thuần, được quyền thoát ra khỏi chương trình ngữ văn lớp 9”, thầy Anh nhận xét.

Trưa ngày 6/6, thông tin về buổi thi đầu tiên, Sở GD&ĐT cho biết, có 98.418/ 98.681 thí sinh dự thi, tương đương vắng 263 thí sinh, tỷ lệ đạt 98,68% thí sinh dự thi. Buổi thi đầu tiên không có thí sinh đi trễ, không có thí sinh vi phạm quy chế thi, mọi việc diễn ra bình thường. Theo kế hoạch, 13h30 chiều nay, thí sinh tiếp tục làm bài thi môn Ngoại ngữ, thời lượng 90 phút.

MỚI - NÓNG
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024
TPO - Trong tháng 11/2024, nhiều chính sách nổi bật chính thức có hiệu lực như quy định về các hình thức giám sát CSGT làm nhiệm vụ; phạt tới 30 triệu đồng đối với người có hành vi xúc phạm danh dự người có thẩm quyền tố tụng và quy định về chế độ ăn của phạm nhân; các trường hợp mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền khi đặt lệnh...