Phục hồi khả năng hấp thụ và trữ nước tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm nay, hạn mặn đến sớm và kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến nông nghiệp, đời sống và sinh hoạt của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phóng viên có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Cố vấn Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ).

- Thưa ông, xin ông đánh giá tình hình hạn mặn năm nay tác động lên vùng ĐBSCL?

PGS. TS. Lê Anh Tuấn: Khô hạn và xâm nhập mặn là hiện tượng bình thường hằng năm tại ĐBSCL, nhất là vùng ven biển. Tuy nhiên, trong hơn 2 thập niên qua, hiện tượng này có xu thế gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, công trình thượng nguồn sông Mê Kông. Có năm trở nên cực đoan và gây nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh kế cộng đồng.

Mùa khô năm 2024, nhiệt độ không khí đã gia tăng đáng kể, cao hơn các kỷ lục đã ghi nhận nhiều hệ lụy như nhiễm mặn sâu, sốc nhiệt, tai nạn và nhiều tiêu cực khác.

Nước lũ về ĐBSCL giảm rõ, tình trạng giảm nguồn nước, không còn lũ lớn (thiếu nước trong cả mùa mùa lũ) và mùa khô, cộng thêm yếu tố nước biển dâng và sụt lún đồng bằng, khiến xu hướng xâm nhập mặn sâu hơn trong mùa khô; đặc biệt những năm có hiện tượng El-Nino.

Hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sinh kế, hoạt động và sinh thái vùng ven biển. Thiếu hụt nguồn nước sạch, không đủ nước tưới, đất canh tác bỏ hoang, lượng nước sông Cửu Long hiện chỉ đủ tưới cho 50% diện tích lúa toàn vùng (được 700 – 800 nghìn ha lúa, trong tổng số 1,5 triệu ha đất trồng lúa toàn ĐBSCL, chủ yếu ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười). Đặc biệt, mùa khô 2024, xuất hiện sạt lở, sụt lún xảy ra ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang.

Cùng đó, nhiều địa phương xây cống ngăn mặn, đê bao canh tác, vô tình khiến tình trạng mặn trở nên sâu hơn do nước tù và nước ô nhiễm. Nếu vận hành không tốt các cống, vô tình khiến xâm nhập mặn nặng nề hơn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Phục hồi khả năng hấp thụ và trữ nước tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng biến đổi khí hậu ảnh 1

PGS.TS. Lê Anh Tuấn

- Hạn mặn ngoài tác động về nông nghiệp thì còn vấn đề nào khác đáng quan tâm?

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Gần đây tôi đã trực tiếp đi một số vùng sạt lở ở Cà Mau, và nhận thấy nguyên nhân của tình trạng này do giải pháp công trình ngăn mặn chưa hợp lý, và điều này cần phải thay đổi. Chúng ta thấy, gần như theo chu kỳ từ năm 2016, rồi 2020 và nay là 2024, cứ 4 năm một lần sẽ có đợt hạn hán, xâm nhập mặn cao hơn trung bình nhiều năm.

Ngoài tác động thiếu nước ngọt ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, còn vấn đề về sụt lún trong ĐBSCL của những mùa khô gần đây. Đất của ĐBSCL là nền đất yếu, hầu hết đường giao thông được hình thành bên cạnh việc đào các con kênh, mương lấy đất đắp lên đường. Đất ĐBSCL về mặt cơ học phải có một độ ẩm nhất định, khi độ ẩm quá lớn sẽ gây nhão, khi độ ẩm quá ít lại gây co ngót dẫn tới sụt lún, sạt lở.

Một số công trình ngăn mặn đưa nước ngọt vào, nhưng ở một số thời điểm khí hậu cực đoan, như mùa khô năm 2016, 2020 hay năm nay, vấn đề sụt lún đã xảy ra, đặc biệt là ở Cà Mau. Điển hình như ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), có nơi sụt lún tới 2m, dù địa phương áp dụng một số giải pháp như hạn chế xe tải nặng qua các tuyến đường có nguy cơ sụt lún cao, nhưng ngay cả ban đêm không có xe chạy vẫn dẫn tới sụt lún, sạt lở cục bộ.

Ngoài ra, tôi đã có những chuyến đi về vùng sụt lún và nhận thấy, với các công trình ngăn được mặn, nhưng rất tiếc là phần cấp nước ngọt bổ sung lại không có, nên đất co ngót, phản áp suất không còn, nên dễ dàng chịu tác động và sụt lún. Đôi khi chúng ta mong muốn ngăn mặn, giữ được ngọt, nhưng đôi khi lại dẫn tới hệ quả khác, và tác hại không nhỏ, đất đã sụt lún thì không còn cách gì có thể nâng lên được. Đấy là thiệt hại chưa tính tới được.

Phục hồi khả năng hấp thụ và trữ nước tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng biến đổi khí hậu ảnh 2

Hỗ trợ nước ngọt cho bà con tại Bến Tre trong mùa hạn mặn.

- Ông có gợi ý gì về giải pháp trong thời gian tới để ĐBSCL thích ứng với sự biến đổi của tự nhiên, biến đổi khí hậu, thưa ông?

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Người dân vùng ĐBSCL, đặc biệt là vùng ven biển đã sống chung với hạn, mặn từ 300 năm nay rồi. Tuy nhiên, càng ngày càng phức tạp hơn, người dân hoàn toàn chủ động việc này, vì họ sẽ phải tìm giải pháp để giảm thiệt hại phải tăng cường dự báo và cảnh báo sớm, thông tin cho người dân. Có nhiều người dân tự đầu tư trang bị máy đo mặn, sau đó thông báo trong cộng đồng với nhau.

Ở các vùng ngọt, chưa cần tới dự báo của cơ quan chức năng, họ đã tự dự báo và chuẩn bị ứng phó, như xuống giống sớm hơn để tránh hạn, mặn. Mặc dù chỉ đạo của cấp chính quyền là xuống giống trước cuối tháng 12/2023, nhưng có nhiều vùng giữa tháng 11/2023 đã xuống giống rồi, vì liên quan sinh kế của họ, nên phải chủ động.

Người dân cũng biết trữ nước trong điều kiện của họ, một thời gian cấp nước tới người dân nên các thiết bị chứa nước giảm. Tuy nhiên, vài năm gần đây hạn, mặn ngày càng gay gắt, nên hình ảnh lu, vại chứa nước đã quay trở lại... Người dân đã chủ động hơn, nên giảm nhiều áp lực cho cấp nước sinh hoạt. Người dân cũng biết cách chuyển đổi sản xuất, như lúa - tôm, để thích nghi.

Tôi nghĩ rằng, giải pháp của người dân cũng là gợi ý cho nhà khoa học, chính quyền để có thể nhân rộng. Đây là giải pháp thiết thực cho người dân.

Các giải pháp trên tạo sinh kế mới cho người dân, lúc đó chúng ta có thể coi hạn, mặn không phải là vấn đề gì nghiêm trọng. Năm 2016, có 10/13 tỉnh thành phát cảnh báo về hạn mặn, kêu gọi các tổ chức hỗ trợ. Năm nay dù hạn, mặn cũng rất khốc liệt, nhưng người dân đã khá chủ động. Do đó, bên cạnh giải pháp của nhà quản lý, cũng cần hỗ trợ người dân các giải pháp thích nghi của họ để giảm áp lực, ảnh hưởng của hạn, mặn.

- Về chiến lược lâu dài cho vấn đề khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, ông có gợi ý gì?

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Về lâu dài, cần giảm diện tích lúa chuyển sang thuỷ sản, rau màu và cây ăn trái; tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn. Đồng thời, phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên; xây dựng công trình hồ chứa, đầu tư vật dụng chứa nước mưa; xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm. Ngoài ra, phục hồi khả năng hấp thụ nước tự nhiên ở các vùng trũng.

- Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Thời tiết Hà Nội sau đêm tâm bão đi qua
Thời tiết Hà Nội sau đêm tâm bão đi qua
TPO - Thủ đô Hà Nội chịu ảnh hưởng của bão số 3 ( tên quốc tế YAGI) tác động trực tiếp khi nằm trên trục di chuyển của cơn bão sau khi đổ bộ đất liền. Trong 24 giờ qua Hà Nội có mưa dông và gió giật dữ dội, dự báo trong ngày 8 - 9/9 khu vực vẫn nằm trong ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão.