'Đào, phở và piano' và sự thu hút ngoài nghệ thuật

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cơn sốt xếp hàng mua vé xem “Đào, phở và piano” vẫn tiếp diễn sau sự cố website của Trung tâm Chiếu phim quốc gia bị sập. Người ta thậm chí còn phải mở thêm quầy chỉ để bán vé cho bộ phim đặt hàng này. “Thật là một hiện tượng lạ lùng vì rõ ràng sức hút của “Đào, phở…” không đến từ phía nghệ thuật”, một nhà phê bình phim nhận xét.

“Một bộ phim nghiêng về phía sân khấu hơn là điện ảnh”

Tính kịch của “Đào, phở và piano” bắt đầu từ bối cảnh. Hà Nội năm 1946 được dựng lại bằng mô hình và trang trí theo lối kẻ vẽ ước lệ của sân khấu. Khán giả có thể thông cảm với điều này vì kinh phí làm phim chỉ có 20 tỷ, quá khó để đầu tư một bối cảnh chiến tranh hoành tráng. Song điều đó cũng đồng nghĩa với việc người xem, ngay từ đầu đã phải tìm lý do để “thể tất” cho bộ phim.

Sự giả tiếp theo đến từ hầu hết câu thoại và tình huống phim. Đây là câu nói cô gái Hà Nội kể cho anh người yêu (cũng là người Hà Nội): “Cậu mợ em thường vừa nghe nhạc vừa ngắm đào. Đào phai đẹp và sang lắm”.

Cách nhả chữ của nữ chính luôn khiến người xem có cảm giác cô đang đọc thuộc lòng một cách diễn cảm. Khán giả rộng lượng (tôi sẽ còn nhắc lại điều này) ngồi dưới tự an ủi nhau: “Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp” dù xuyên suốt bộ phim cách diễn của “nàng” phải thẳng thắn mà nói là sượng!

'Đào, phở và piano' và sự thu hút ngoài nghệ thuật ảnh 1

Một cảnh trong phim

Các tình tiết trong phim đều được khai thác theo hướng mélo (lâm ly, khoa trương) quá đà. Lấy ví dụ, một cô tiểu thư con nhà được học piano (nhưng không phải là một nghệ sĩ dương cầm) khi thấy cái đàn của mình bị vỡ hỏng, trong hoàn cảnh chiến đấu một mất một còn, vẫn có tâm tư chôn đàn và lặp đi lặp lại khao khát “lúc nào lại được chơi đàn”.

Tình huống tương tự, hãy nhớ lại bộ phim “Nghệ sĩ dương cầm” (đạo diễn Roman Polanski), trong chiến tranh người nghệ sĩ thậm chí phải bán đàn để mua bánh mì, rồi sau này đằng đẵng những ngày sống trong trại tập trung không hề được chạm đến phím đàn, chưa bao giờ anh thốt lên một câu nhớ tiếc. Người xem chỉ có thể nhận ra điều này ở những cử động vô thức của ngón tay anh, và đỉnh điểm là hình ảnh anh ngồi đàn trên một cái piano tưởng tượng.

Một “đặc trưng Hà Nội” trong phim là món phở thì bị đẩy đến mức cảnh vẻ không khác gì văn ẩm thực của Nguyễn Tuân. Đại ý là bất chấp súng đạn ì ùng, nếu anh vệ quốc quân không kiếm đủ hành mùi lấy từ vườn Nhật Tân thì hàng phở không nấu được phở. Rồi khi nấu xong, cái bát phở ấy ba lần phát sáng trong tiếng nhạc nền y như những quảng cáo phở ăn liền. Lúc này thì sự tao nhã kiểu Nguyễn Tuân lại hoàn toàn biến mất. Không có nhân vật nào trong phim được ăn phở, cho nên khán giả cũng không đoán được, bát phở có thể phải đổi bằng máu ấy rốt cục ngon như thế nào.

Nhu cầu tìm hiểu lịch sử của người trẻ

Bất chấp những khuyết thiếu về mặt nghệ thuật, việc “Đào, phở và piano” đang tạo ra một cơn sốt vé là sự thật, và điều này nằm ngoài mọi dự đoán của cả rạp chiếu, ê kíp làm phim cho đến giới phê bình điện ảnh.

Sáng thứ Tư vừa rồi, khi ra khỏi rạp, tôi đã làm một cuộc phỏng vấn nho nhỏ với hơn 10 khán giả, khi tôi hỏi nếu được chấm điểm “cà chua tươi” (dựa theo web chấm điểm phim Rotten Tomatoes) thì bạn cho “Đào, phở và pinano” mấy điểm, số điểm cao nhất mà những khán giả này chấm dừng ở con số 7. Đánh giá còn khắt khe hơn khi tình huống được đưa ra cho một số nhà báo và nhà phê bình điện ảnh, bộ phim của Phi Tiến Sơn nằm chấp chới ở ngưỡng 4,5-6.

Việc “Đào, phở và piano” trở thành một hiện tượng phòng vé có căn nguyên từ một Tiktoker nổi tiếng. Khi người này đăng bài giới thiệu bộ phim trên tài khoản của mình, một số KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) cũng cho rằng nên xem “Đào, phở…” hơn là phim “Mai” theo công thức của Trấn Thành.

Hiệu ứng truyền miệng đã phát huy tác dụng khiến nhiều khán giả trẻ vào website của Trung tâm chiếu phim quốc gia (đơn vị duy nhất tính đến thời điểm phim ra rạp có suất chiếu “Đào, phở…”) đặt vé khiến trang web “sập đúng lúc”. Từ đó đến nay, Trung tâm chiếu phim quốc gia chỉ bán vé trực tiếp, và đó là lý do của những hàng người rồng rắn xếp hàng chờ mua vé của “Đào, phở…”. Trước tình hình này, Cục Điện ảnh đã đề xuất cho chiếu phim trên toàn quốc.

'Đào, phở và piano' và sự thu hút ngoài nghệ thuật ảnh 2

Trung tâm Chiếu phim Quốc gia phải mở thêm hai cửa bán vé dành riêng cho “Đào, phở và piano”

Giải thích cho lý do “Đào, phở và piano” hút khách, giảng viên Phương Dung (ĐH Sân khấu điện ảnh) cho rằng: “Đào, phở…” thu hút người xem vì hiệu ứng đám đông, nhưng không đơn giản chỉ có vậy. Nguyên nhân quan trọng hơn là vì sự quan tâm của giới trẻ với đề tài lịch sử, chiến tranh. Xưa nay chúng ta hay nói, người trẻ bây giờ không quan tâm lịch sử, không còn biết gì về chiến tranh.

Thực tế không đúng như vậy, ít nhất là trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Hãy nhớ lại số lượng phát hành bùng nổ của bộ truyện “Long thần tướng” do họa sĩ Nguyễn Thành Phong sáng tác. Lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam thời kỳ nhà Trần, “Long thần tướng” kể về cuộc đời và chiến công của danh tướng Trần Quốc Tuấn. Với nội dung hấp dẫn, hình ảnh đẹp mắt và cách thể hiện sáng tạo, “Long thần tướng” đã thu hút sự chú ý của đông đảo giới trẻ, đặc biệt là những người yêu thích lịch sử.

Hay là số lượng người tham quan di tích lịch sử Hỏa Lò (Hà Nội) tăng vọt thời gian gần đây cũng là một việc đáng suy ngẫm. Nếu lý giải thấu đáo thì chính là vì bản thân những câu chuyện lịch sử hào hùng đã khơi gợi niềm tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước trong lòng giới trẻ, khiến họ quan tâm đến nguồn gốc, cội nguồn dân tộc và những giá trị văn hóa truyền thống.

Từ những hiện tượng này có thể thấy rằng các tác phẩm lịch sử vẫn luôn thu hút được người trẻ, miễn là nó được khai thác một cách mới mẻ, hấp dẫn. Và hãy chịu khó lướt xem những bình luận dành cho “Đào, phở…”, rất nhiều ý kiến cho rằng, họ xem phim, trước hết vì câu chuyện Hà Nội 60 ngày đêm…”.

MỚI - NÓNG