Phó Bí thư Hà Nội: 'Dự án xây nhà ở cho công nhân còn rất chậm'

TPO - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh thời gian tới, các cấp Công đoàn Thủ đô cần tập trung quan tâm chế độ, chính sách cho công nhân, viên chức, người lao động và con em của họ. "Quan trọng là yếu tố đúng thời điểm, chính sách tốt mà không đúng thời điểm thì cũng không còn giá trị", bà Tuyến nói.

Sáng 10/1, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động Công đoàn Thủ đô năm 2023 triển khai nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua năm 2024.

Theo báo cáo, năm 2023, phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổ chức Công đoàn Thủ đô thực sự đổi mới, sáng tạo, thích ứng, linh hoạt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Phó Bí thư Hà Nội: 'Dự án xây nhà ở cho công nhân còn rất chậm' ảnh 1

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV.

Năm 2023, LĐLĐ thành phố đã tổ chức thành công Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023–2028. Chương trình Tết Sum vầy - Xuân gắn kết, Chợ Tết Công đoàn, các hoạt động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đã giúp nhiều người lao động thực sự được hưởng thụ những ngày Tết cổ truyền dân tộc đầm ấm, vui vẻ.

Chức năng chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được các cấp Công đoàn Thủ đô chú trọng với nhiều hình thức, biện pháp...

"Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các cấp Công đoàn thành phố đã dành nguồn kinh phí trên 144 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 100.000 lượt đoàn viên, người lao động, đặc biệt là trường hợp gặp khó khăn do thiếu việc làm, mất việc bị nợ lương", báo cáo nêu.

Trong năm 2024, LĐLĐ thành phố Hà Nội xác định tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, thực hiện tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền với đại diện người lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên và CNVCLĐ, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - nhà nước - người lao động...

Phó Bí thư Hà Nội: 'Dự án xây nhà ở cho công nhân còn rất chậm' ảnh 2

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân tặng cờ thi đua của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho 10 tập thể. Ảnh: PV.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động thực hiện tốt việc chăm lo quyền lợi ích chính đáng của người lao động, nâng cao chất lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể; tích cực đề xuất việc đối thoại giữa Chủ tịch thành phố với người lao động, thực hiện tốt các phong trào thi đua lao động, sáng kiến sáng tạo…

Thời gian tới, bà Tuyến đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, chia nhỏ các chỉ tiêu, có phân công nhiệm vụ và kiểm đếm hàng năm, tiếp tục chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động thông qua nâng cao chất lượng ký thỏa ước lao động tập thể.

Đáng chú ý, theo bà Tuyến, còn một số vấn đề khó khăn liên quan đến đời sống CNVCLĐ, trong đó có việc các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân còn rất chậm, thực hiện chính sách chăm lo cho con em người lao động...

"Các chính sách của thành phố đã được HĐND thành phố thông qua, liên quan đời sống của người lao động, con em người lao động phải được giám sát để thực hiện một cách nghiêm túc, đúng thời điểm đúng chế độ. Quan trọng là đúng thời điểm, nhiều khi chính sách tốt mà không đúng thời điểm cũng không còn giá trị", bà Tuyến nói.

Theo mục tiêu tại Kế hoạch triển khai chỉnh trang các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng thêm từ 1 đến 2 khu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp đang hoạt động. Đến năm 2030, sẽ có 100% các khu công nghiệp được quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa cho người lao động.
Tin liên quan