Trường học hạnh phúc: Giấc mơ và ước nguyện, Kỳ cuối: Đối diện với cơm áo, gạo tiền

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giữa hạnh phúc và đối diện hiện thực trong môi trường học đường hiện nay dường như vẫn còn khoảng cách rất xa. Hiện thực với giáo viên là câu chuyện lương chưa đủ sống, với học sinh là áp lực học hành, thi cử. Hai điểm nghẽn này nếu không được tháo gỡ, hạnh phúc vẫn là khái niệm xa vời trong trường học.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng có 3 điều hạnh phúc của nghề giáo. Đó là khi được nhìn thấy nụ cười trên môi con trẻ, thấy những cử chỉ ân cần của các em với mẹ, cha, ông bà, những người thân thiết và hơn thế đó là sự đổi thay, sự tử tế sau mỗi buổi đến trường; khi con trẻ ngây ngô mỗi ngày hiểu biết nhiều hơn, khôn lớn hơn, thông minh hơn và dần dà trách nhiệm hơn với chính bản thân, gia đình và xã hội. “Mỗi nhà giáo gieo tình yêu thương để yêu thương trỗi dậy trong mỗi con người, chỉ có thấu hiểu mới có được yêu thương. Sự trưởng thành của học trò, an vui của mỗi gia đình - xã hội là niềm hạnh phúc của chúng ta, những người đi xây đắp tâm hồn và trí tuệ, đặt lên bệ phóng tương lai cho bao thế hệ”, ông Minh nói.

Trường học hạnh phúc: Giấc mơ và ước nguyện, Kỳ cuối: Đối diện với cơm áo, gạo tiền ảnh 1

Học sinh Trường THCS Chu Văn An, Tây Hồ, Hà Nội gấp hạc giấy nhắn gửi chia sẻ tới các bạn học sinh vùng lũ. Ảnh: Nghiêm Huê

Tuy vậy, ông Minh cho rằng nghề giáo đang đối diện với nhiều gian khó, cả về vật chất và tinh thần. Một hiện tượng đáng buồn được ông nhắc tới là khi cuộc sống vật chất khá hơn, thời đại phát triển hơn nhưng những chuẩn mực đang bị xâm thực nhiều hơn. Đồng thời ông trăn trở nhiều đồng nghiệp dù rất đau đáu, tâm huyết nhưng vẫn phải giã từ nghề giáo bởi họ đang bị giằng xé trong vòng xoáy của “cơm áo gạo tiền”. Ông từng mong các thầy cô đừng để sự giằng xé, khó khăn đó lấn át thiện tâm, lòng yêu nghề của người thầy. Nếu vì khó khăn đó mà chững lại, mà buông xuôi thì học trò sẽ thế nào?

Với phụ huynh, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng, không nên vì những vị kỷ riêng tư, bức xúc, bột phát, hay chiều chuộng thái quá mà làm tổn thương thầy cô chân chính.

“Một trường học hạnh phúc có 3 tiêu chí quan trọng, có tính định hướng là: yêu thương, an toàn và tôn trọng”.

GS Huỳnh Văn Sơn nêu quan điểm

“Gia đình xin đừng phó mặc con cái cho nhà trường, thầy cô và rồi chỉ đổ lỗi cho giáo dục. Nhà trường chỉ giáo dục những chuẩn mực cốt yếu, chính gia đình, xã hội mới là môi trường thực tiễn để mỗi em thẩm thấu, chịu tác động nhiều nhất về hành vi và nhận thức. Khi chỉ còn là quy kết, đổ lỗi mà thiếu đi sự đồng hành và trách nhiệm thì khó lòng giáo dục tốt con người”, ông Minh thẳng thắn nêu quan điểm.

Gắn bó với nghề giáo đã gần 40 năm, GS Minh hy vọng xã hội, những bậc cha mẹ sẽ nhận ra và cùng đồng hành với thầy cô. “Phụ huynh hãy thấu hiểu rằng, tất cả thầy cô chân chính đều mong muốn học trò tiến bộ, vì vậy hãy đồng hành với thầy cô, đừng làm tình yêu thương trở thành thương tổn”, GS Minh gửi gắm.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng thầy cô hãy đem đến nụ cười và niềm hứng khởi cho học sinh, đừng đem đến sự hà khắc và nghiệt ngã, chán chường và thất vọng. Nhà trường cũng đừng vì thành tích mà làm tổn thương lòng tự trọng của học trò và phụ huynh. Thầy cô giáo thương yêu học trò như chính thương yêu con cái của mình để bớt đi nhiều điều đáng tiếc. Các cấp quản lý cần để nhà giáo làm đúng thiên chức, đừng bắt họ làm những điều trái với lương tâm để vấy bẩn lên danh dự người thầy. Theo GS Minh, khi trường học đạt được những mong muốn trên, học sinh sẽ thấy vui khi đến trường, giáo viên thấy vui khi lên lớp. Trường học hạnh phúc bắt đầu từ những ước nguyện giản đơn là niềm vui nho nhỏ trong thầy và trò.

3 chữ an trong trường học

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, làm thế nào để tạo dựng ngôi trường hạnh phúc được ngành Giáo dục Việt Nam hết sức chú trọng.

Ông Sơn cũng nêu ra định nghĩa trường học hạnh phúc là một không gian học đường thiết thực, thân thiện, an toàn; tạo điều kiện để học sinh được yêu thương, tôn trọng, được bảo vệ và được tạo điều kiện để thực hiện các quyền của mình, có nhận thức tích cực về các mối quan hệ trường học; được trải nghiệm những cảm xúc tích cực và thực hiện được những hành vi tích cực giúp mỗi cá nhân người học lẫn người dạy trong môi trường đó ý thức hơn về ý nghĩa và mục tiêu cuộc sống của mình. Từ đó tăng cường sự hiểu biết, niềm tin vào bản thân, vào bạn bè và các mối quan hệ xã hội ở trường học, hướng đến một cộng đồng hạnh phúc ở cấp độ cá nhân lẫn xã hội.

Theo GS Huỳnh Văn Sơn, để xây dựng được trường học hạnh phúc, mỗi thành viên trong nhà trường đều giữ vai trò chủ chốt. Trong bối cảnh mới hiện nay, cán bộ quản lí cơ sở giáo dục, vừa là người quản lí, vừa là người lãnh đạo, cần thực hiện tốt trách nhiệm của mình, cũng cần thay đổi với tư duy tích cực để phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Về phía đội ngũ giáo viên, một trong những trách nhiệm của giáo viên trong việc xây dựng trường học hạnh phúc là phải có hiểu biết sư phạm hiện đại, nắm bắt tâm lý của học sinh trong bối cảnh mới. Giáo viên cần thực hiện tốt trách nhiệm của mình, cần thay đổi để có tâm thế vững vàng, giữ vững vị thế người thầy.

Trách nhiệm từ phía học sinh trong việc xây dựng trường học hạnh phúc đều tập trung vào mục tiêu hình thành và phát triển các năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực. Học sinh là trung tâm của quá trình dạy học và giáo dục. “Mang lại hạnh phúc cho học sinh là mục tiêu lớn nhất trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Làm thế nào để học sinh nhận biết, thực hiện tốt trách nhiệm của mình là trách nhiệm của cán bộ quản lí cơ sở giáo dục và của giáo viên trong nhà trường”, ông Sơn nói.

Đồng thời khẳng định quan trọng nhất vẫn là sự đồng cảm của các bên có liên quan xoay quanh trục tiêu điểm làm cho học sinh hạnh phúc.

Chia sẻ với Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết không phải bây giờ mới đặt ra vấn đề trường học hạnh phúc. Nhưng ông nhấn mạnh đến 3 chữ “an” trong trường học đó là học sinh đến trường an toàn, phụ huynh gửi con an lòng và thầy cô làm việc an tâm. “Tôi thấy chỉ cần như thế là trường học tốt đẹp”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

MỚI - NÓNG