Ngoài học tập, học sinh, phụ huynh mong muốn trường học có nhiều hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng sống |
Nếu như học trò ở thành phố mơ về ngôi trường có nhiều trải nghiệm, ít áp lực thì với học sinh vùng cao, ăn đủ no, mặc đủ ấm và có nhà vệ sinh đã là hạnh phúc.
Mong ước của học sinh, phụ huynh
Em Trần Kim Minh, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Đống Đa (Hà Nội), nói rằng, trường học hạnh phúc là có phòng học to đẹp, thoáng mát, bữa ăn ngon, nhiều bạn tốt, các giờ học thú vị giúp mình mở mang kiến thức.
Ngoài ra, nhà trường phải có nhà vệ sinh sạch sẽ, thầy cô giáo thực sự thân thiện, yêu thương học trò. “Điều khiến em áp lực, lo lắng chính là những bài kiểm tra bị điểm kém. Khi đó, em thấy thiếu tự tin đối với bạn bè, thầy cô và lo bị bố mẹ mắng”, Minh nói.
Nhiều học sinh THCS - THPT mong mỏi được giảm bớt áp lực bởi sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, giảm áp lực thành tích, bị so sánh với bạn khác và có nhiều sân chơi giải trí sau những giờ học căng thẳng.
Ở góc độ phụ huynh có 2 con gái đang học ở bậc mầm non và tiểu học Trường Vinschool, chị Lê Ngọc Mai ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ mong ước khi đến trường, ngoài học tập kiến thức, các con được tham gia thật nhiều hoạt động trải nghiệm, học đi đôi với hành.
Ví dụ trường, lớp tổ chức nhiều hơn các hoạt động cho học sinh đi dã ngoại, học kỹ năng sinh tồn, tham gia các hoạt động sẻ chia, thiện nguyện nhằm hiểu hơn giá trị sống. Có các câu lạc bộ, chương trình ngoại khoá hấp dẫn và nhiều lựa chọn hơn cho học sinh có cơ hội phát triển kỹ năng giao tiếp, tư duy logic, nghệ thuật, âm nhạc…
“Trên hết, tất cả kiến thức, kỹ năng đó được phát triển trong môi trường an toàn, thân thiện. Các con đến trường được vui học cùng các bạn biết chia sẻ, yêu thương lẫn nhau, thầy cô cởi mở, thân thiện”, chị Mai nói.
Là một nhà giáo và là phụ huynh, cô Chu Thị Thanh Hiền, Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội), mơ rằng, con cái sẽ được học tập trong các ngôi trường hạnh phúc đúng nghĩa mà ở đó chưa tính đến tri thức, các con phải cảm nhận được niềm vui, sự yêu thích trường lớp. Ngoài ra, tiêu chí quan trọng khác nữa phải hướng đến là sự an toàn, các con được yêu thương, tôn trọng, có cơ hội phát huy năng lực, sở trường của mình.
Khi đứng lớp, cô Hiền luôn tự dặn mình, để học sinh có động lực học tập, trước hết nhà giáo phải yêu thương, bao dung lỗi lầm của các em. Ở lứa tuổi còn nhỏ, vốn dĩ nghịch ngợm, rất khó để các em không có những va vấp, thiếu sót. Nếu giáo viên cứng nhắc, áp các hình thức kỷ luật thì dễ tạo rào cản khiến học sinh khó tiến bộ.
Thay vào đó, nên động viên, khuyến khích các em nhận lỗi, sửa chữa và tiến bộ. Học sinh ngày nay cũng nhạy cảm hơn, do đó giáo viên không so sánh em này với em khác. Em được khen vui bao nhiêu, em bị so sánh sẽ có những áp lực đè nén. Do đó, thầy cô cần khuyến khích học sinh mạnh dạn thể hiện năng lực, thế mạnh của từng người, biết nêu lên quan điểm, chính kiến của mình trước các vấn đề khác nhau.
Ngoài học tập, học sinh, phụ huynh mong muốn trường học có nhiều hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng sống |
Theo cô Hiền, trong bối cảnh điều kiện cơ sở vật chất nhiều nơi chưa đáp ứng, vẫn còn tình trạng học sinh đến trường “nhịn” đi vệ sinh cả ngày vì nhà vệ sinh bẩn. Ngoài ra, không ít em vẫn ám ảnh vì bạo lực học đường. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã có những thay đổi nhằm giảm áp lực cho học sinh trong dạy và học.
Trước đây, môn Ngữ Văn mỗi học kì ngoài kiểm tra, đánh giá thường xuyên còn có 4-5 bài kiểm tra định kì 45- 90 phút, tính điểm hệ số 2 và bài kiểm tra học kì thì hiện nay kiểm tra định kì chỉ còn 1 bài kiểm giữa kì và 1 bài cuối kì. Giáo viên cũng dần thay đổi phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh, nhất là trước đây vào lớp, thầy cô lăm lăm kiểm tra bài cũ khiến học sinh áp lực, lo sợ thì nay đã có nhiều hình thức khác nhau như: vấn đáp, viết, sản phẩm học tập, dự án…
“Dẫu rằng, nghề dạy học vẫn còn nhiều áp lực và nhà giáo đến trường đôi lúc không tránh khỏi lời nặng nhẹ với học trò nhưng luôn phải tự dặn mình kiềm chế cảm xúc. Thầy cô thích nghi với các môi trường khác nhau để có những cách ứng xử linh hoạt, khắc phục khó khăn tạo niềm vui cho các em và cho cả chính mình”, cô Hiền nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội, ông Trần Thế Cương nói rằng, các nhà trường gắn khẩu hiệu: Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, tuy nhiên đầu năm học 2023-2024, sau một số vụ bạo lực học đường xảy ra, ông quán triệt phải đưa chữ tình thương lên đầu tiên áp dụng trong dạy học, ứng xử. Kể cả với học sinh vi phạm quy chế cũng phải kỷ luật mang tính răn đe, giáo dục. Các nhà trường phải tạo môi trường, điều kiện thoải mái cho nhà giáo sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học. Giáo viên không vì tiền lương thấp, vì những bực dọc đời thường mà đến lớp nặng nhẹ với học sinh.
Khát khao của nhà giáo
Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Hà Giang, tỉnh Hà Giang, cho rằng, không thể áp chung một tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể cho các nhà trường trên toàn quốc.
Đối với nhà giáo, khát khao đầu tiên là được dạy học trong môi trường được thoả sức sáng tạo, từ đó có nhiều tâm huyết để cống hiến. Ngày nay, dù ít hay nhiều, công việc của nhà giáo đang có phần hạn chế, ràng buộc bởi các văn bản, thậm chí cả áp lực từ phía phụ huynh, học sinh khiến nhiều người không dám thử phương pháp mới trong việc xây dựng chương trình, hoạt động dạy học mang tính mới mẻ.
Cô Kim Anh nhận định, trường học hạnh phúc là ngôi trường tạo điều kiện để học sinh phát triển năng lực và cá tính, tính sáng tạo của mình. Trong thời đại công nghệ, học sinh hạnh phúc không hẳn là được học thầy cô giỏi mà đôi khi các em kỳ vọng được thầy cô truyền cảm hứng, thầy cô thú vị, gợi mở phong cách sống, mở đường đi, vì ngày nay có nhiều cách để có thể tiếp cận tri thức. Học sinh hạnh phúc là khi các em có được nguồn năng lượng tích cực, khiến mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Các em thêm tin yêu trường lớp, thầy cô, mong muốn đến trường hơn ở nhà.
“Ngày nay, trường học đã chủ động xây dựng nhiều câu lạc bộ, học sinh được làm chủ, tự tổ chức hoạt động, có nhiều trải nhiệm hơn, tuy nhiên vẫn còn thiếu rất nhiều so với mong mỏi của các em”, cô Kim Anh nói.
(Còn nữa)