Chuyên gia WWF: 'Trữ lượng cát ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trong 12 năm nữa'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo chuyên gia WWF Việt Nam, nếu tiếp diễn tình trạng khai thác như hiện nay (từ 35 -55 triệu m3/năm), trữ lượng cát đáy sông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ cạn kiệt vào năm 2035.
Chuyên gia WWF: 'Trữ lượng cát ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trong 12 năm nữa' ảnh 1

Khai thác cát ở An Giang. Ảnh: Hòa Hội.

Mỗi năm khai thác 35-55 triệu m3 cát

Ngày 29/9, tại TP Cần Thơ, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam phối hợp Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) công bố kết quả nghiên cứu ngân hàng cát cho ĐBSCL - ngân hàng cát đầu tiên trên thế giới - được thực hiện trên quy mô toàn đồng bằng, cung cấp số liệu mới nhất trữ lượng cát trên hai nhánh sông Tiền và sông Hậu.

Kết quả nghiên cứu ngân hàng cát trong năm 2022 cho thấy, lượng cát từ thượng nguồn Mekong vào Việt Nam qua sông Tiền (Tân Châu, An Giang và Hồng Ngự, Đồng Tháp) và sông Hậu (Châu Đốc, Đồng Tháp) ước tính 2-4 triệu m3/năm. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính trước đây là 6,8-7 triệu m3/năm. Trong khi đó, lượng cát đổ ra Biển Đông là 0-0,6 triệu m3/năm, và lượng cát khai thác hằng năm trong giai đoạn 2017-2022 từ 35 - 55 triệu m3.

Chuyên gia WWF: 'Trữ lượng cát ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trong 12 năm nữa' ảnh 2

TS. Sepehr Eslami, Trưởng nhóm tư vấn Liên doanh Deltares (Hà Lan) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hòa Hội.

TS. Sepehr Eslami, Trưởng nhóm tư vấn Liên doanh Deltares (Hà Lan) cho biết, số liệu này được tính dựa trên dữ liệu vận chuyển tải lượng đáy, lưu lượng nước, tốc độ dòng chảy, hàm lượng trầm tích lơ lửng, mực nước, từ đó lập mô hình phân tích mô tả sông Mekong từ hồ Tonle Sap ở Campuchia đến ĐBSCL và thêm 70 km thềm lục địa ngoài khơi.

Theo chuyên gia, trữ lượng ngân hàng cát ở ĐBSCL hiện âm 42,3 triệu m3. Trong khi đó, để dòng sông duy trì được trạng thái cân bằng (không gây sạt lở), trữ lượng cho ngân hàng cát phải dương hoặc bằng 0. Cát ở đáy sông hiện chính là nguồn bù đắp cho 42,3 triệu m3 bị thiếu hụt trong ngân hàng cát.

"Nếu tiếp diễn tình trạng khai thác như hiện tại, trữ lượng cát đáy sông sẽ chỉ đủ dùng đến khoảng năm 2035. Nếu giảm lượng khai thác thêm 5% mỗi năm, trữ lượng này có thể duy trì đến 2040, ngược lại, sẽ cạn kiệt vào 2035", chuyên gia cảnh báo.

Theo các nghiên cứu, việc khai thác nguồn dự trữ cát cuối cùng sẽ tác động lên khả năng chống chịu của con người, đa dạng sinh học và nền kinh tế của ĐBSCL.

“Quản lý khai thác và các quyết định đưa ra cần dựa trên ngân hàng cát, không phải là trữ lượng cát hiện có ở đáy sông. Nếu trữ lượng cát ở đáy sông tiếp tục bị thâm hụt thêm, đồng nghĩa với sự bền vững của đồng bằng cũng đang bị ảnh hưởng”, chuyên gia WWF cảnh báo.

Cần cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư sản xuất vật liệu thay thế

Ông Lê Ngọc Quyền - Giám đốc đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên về tài nguyên cát tại ĐBSCL. Kết quả này rất quan trọng cho quá trình quy hoạch phát triển ĐBSCL trong giai đoạn tới, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng; khuyến nghị các nhà quản lý tính toán lợi ích, tác hại giữa việc khai thác cát với vấn đề sạt lở, xâm nhập mặn.

“Thực tế lượng cát bù vào không thể thay thế lượng khai thác hàng năm. Nếu như thế này thì tốc độ sạt lở sẽ rất lớn”, ông Quyền nói.

Ông Hà Huy Anh - Quản lý quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ĐBSCL (WWF Việt Nam) cho biết, ngân hàng cát sẽ cung cấp những dữ liệu nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi vật liệu thay thế, thay đổi kỹ thuật xây dựng theo hướng xanh hơn, thân thiện môi trường, giảm áp lực lên cát sông…

Ông Huy Anh cho rằng, nếu tính giá trị trong ngắn hạn, sản xuất các vật liệu thay thế sẽ có chi phí nhiều hơn cát sông vì tốn các khoản đầu tư, máy móc, thiết bị, nhân công, quản lý... Tuy nhiên, nếu tính về lâu dài, cát sông có giá trị vô cùng lớn trong việc bảo vệ hệ sinh thái, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ đồng bằng, duy trì môi trường, kết nối trầm tích, giữ vững độ cao của ĐBSCL.

"Cần phải tính toán giá trị cát sông một cách bao hàm hơn, từ đó hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy việc đầu tư sản xuất vật liệu thay thế. Về lâu dài, câu chuyện quản lý tài nguyên sông cần được thực hiện quy mô xuyên biên giới", ông Hà Huy Anh nói.

MỚI - NÓNG