Bộ SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn: Vì sao còn quan điểm khác nhau?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại Nghị quyết vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, quan điểm Bộ GD&ĐT viết một bộ sách giáo khoa (SGK) theo chương trình mới lại được đưa ra. Đây là vấn đề gây tranh cãi từ khi Đoàn giám sát Quốc hội báo cáo kết quả giám sát chương trình giáo dục, SGK mới và có đề xuất này.

Yêu cầu Bộ GD&ĐT viết bộ SGK theo chương trình mới xuất phát từ Nghị quyết 88 của Quốc hội ban hành năm 2014. Trong đó có 2 điểm mới: triển khai theo hướng 1 chương trình nhiều SGK; khuyến khích xã hội hóa (không dùng ngân sách nhà nước) trong việc biên soạn SGK.

Nghị quyết 88 cũng nêu rõ: “Để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

Bộ SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn: Vì sao còn quan điểm khác nhau? ảnh 1

Bộ GD&ĐT có nên viết một bộ SGK. Ảnh: Như Ý

Thực tế, năm 2014, trong phiên thảo luận tại tổ, kỳ họp Quốc hội về Đề án đổi mới chương trình, SGK của Bộ GD&ĐT, đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc Bộ GD&ĐT đề xuất phương án vừa ban hành chương trình, vừa tổ chức biên soạn, lại vừa thẩm định chất lượng SGK. Khi đó, một số đại biểu ví đây là tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Tuy nhiên, có người lại cho rằng, Bộ GD&ĐT làm vậy mới đảm bảo được tiến độ đổi mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói rằng, khi Bộ GD&ĐT có một bộ SGK, đồng nghĩa với việc Bộ cần nâng cao hơn nữa công tác thẩm định để đảm bảo các bộ sách xã hội hóa phải có chất lượng hơn. Tránh tình trạng như hiện nay, sách có nhiều sạn, dẫn đến tâm lí phụ huynh, giáo viên, nhà trường sẽ lại chỉ chọn bộ sách của Bộ cho an toàn.

Trong giới chuyên gia, cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Một số quan điểm cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT tham gia viết SGK, thì mục tiêu “một chương trình, nhiều bộ SGK” khó có thể thực hiện được, vì không nhóm tác giả hay nhà xuất bản nào có thể cạnh tranh được với bộ sách do Bộ làm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết khi Bộ GD&ĐT giải trình với Quốc hội về việc không viết bộ SGK theo yêu cầu, bà đã nói rằng Nghị quyết Quốc hội đã ban hành, phải thực hiện.

Nếu Bộ GD&ĐT không làm được nội dung trong Nghị quyết thì phải làm rõ trách nhiệm. Vì khi xây dựng Nghị quyết 88, Bộ GD&ĐT là đơn vị tham mưu. Tại sao khi đó Bộ đưa vào nội dung dự thảo quy định giao cho Bộ viết một bộ SGK?

Vậy đến khi không biên soạn được thì phải làm rõ trách nhiệm xem khi biên soạn Nghị quyết chưa tính toán kĩ, tham mưu nhầm hay không thể thực hiện được.

Bà Nga lấy làm tiếc hai việc này cho đến nay vẫn không có câu trả lời. Tuy nhiên bà Nga cho rằng các bộ SGK xã hội hóa trong quá trình triển khai nếu không có nhiều sạn như vừa qua thì có lẽ không ai lật lại vấn đề trách nhiệm của Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ SGK.

“Nghị quyết vừa qua có giao cho Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu biên soạn một bộ SGK. Tức không giao cho Bộ phải hoàn thành nhiệm vụ này vào năm nào. Đây là lối mở để Bộ cân nhắc lựa chọn thời điểm thích hợp.

Quan điểm của tôi là nếu vẫn duy trì một chương trình nhiều bộ SGK thì Bộ GD&ĐT vẫn nghiên cứu tổ chức biên soạn một bộ SGK của mình nhưng tính toán thời điểm phù hợp; khâu thẩm định SGK vẫn rất cần được chú trọng”, bà Nga nói.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho hay, sau 3 năm đổi mới chương trình, SGK, hiện có 3 bộ SGK của các nhà xuất bản khác nhau. Trong đó, các bộ sách đều có những ưu, nhược điểm riêng.

Thay vì biên soạn một bộ SGK mới, Bộ GD&ĐT nên tập hợp đội ngũ cùng các NXB ngồi lại “đãi cát tìm vàng”, lựa chọn từng bài giảng phù hợp, thiết kế một bộ sách tiêu chuẩn đảm bảo yêu cầu của chương trình.

Khi Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách có cái nhìn tổng thể, đảm bảo yêu cầu liên tục kế thừa kiến thức từ lớp 1 đến lớp 12 thì các tác giả biên soạn hiểu tính logic cần có để mạch kiến thức liên thông.

Bộ sách này Nhà nước có thể mua bản quyền và có giá thành hợp lý để đa số người dân, học sinh có thể tiếp cận hết sức bình đẳng. Ngoài ra, các Nhà xuất bản vẫn có các bộ sách khác nhau để các cơ sở giáo dục, địa phương lựa chọn dạy học hoặc tham khảo, làm phong phú thêm tài liệu dạy học.

Vấn đề đặt ra là khi có bộ sách chung của Bộ GD&ĐT có ý kiến cho rằng, các địa phương sẽ chỉ chọn bộ sách của Bộ GD&ĐT nhưng theo ông Vinh, các bộ sách sẽ vẫn tồn tại song song.

Bộ sách của Bộ GD&ĐT có giá thành hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho tất cả học sinh tiếp cận, nhất là học sinh vùng khó khăn. Điều quan trọng là thay đổi nhận thức, thói quen của đội ngũ giáo viên trong sử dụng làm tài liệu dạy học.

Lo ngại xã hội hóa nhưng chỉ còn 1 bộ SGK

Với tình hình thực tế hiện nay, bà Nguyễn Thị Hà, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, giáo viên trường THPT Lương Tài, Bắc Ninh cho biết: Các bộ SGK đã có sự thẩm định và được đưa vào giảng dạy trong các trường từ Tiểu học đến THPT. Tức đã được thẩm định từ cơ quan quản lý, từ thực tế triển khai nên phần nào yên tâm.

“Bộ GD&ĐT đứng ra viết 1 bộ SGK nữa nghe thì hợp lí nhưng Bộ GD&ĐT là người thẩm định cho các bộ sách đang lưu hành thì hà cớ gì Bộ GD&ĐT phải biên soạn 1 bộ nữa”, bà Hà nói.

Trong khi đó, nếu Bộ GD&ĐT ban hành một bộ sách thì chắc chắn giáo viên sẽ chỉ chọn SGK của Bộ GD&ĐT để an toàn và tâm lý Bộ GD&ĐT làm là có chất lượng. Không những thế, chương trình cũ có 1 bộ SGK, giáo viên luôn coi là SGK là kim chỉ nam, là pháp lệnh, dạy và thi đều xoay quanh bộ SGK đó và sự sáng tạo bị triệt tiêu.

Nếu Bộ GD&ĐT viết bộ SGK và giáo viên chỉ chọn bộ sách đó thì vô hình chung quay lại như chương trình cũ, vậy tính chất mở của chương trình mới sẽ không còn.

MỚI - NÓNG