Khắc phục tiêu cực
Ghi nhận cho thấy, so với thông tư quy định về dạy thêm, học thêm năm 2012, thông tư lần này có nhiều điểm mới đáng chú ý nhằm khắc phục tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Theo đó, không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Quy định này để hạn chế việc giáo viên đưa học sinh của mình ra ngoài dạy thêm.
Học sinh tiểu học trong giải đấu cờ vua cấp quận của Hà Nội năm học 2024 -2025 |
Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, thông tư mới hạn chế đối tượng được học thêm trong nhà trường gồm 3 đối tượng và không thu tiền của học sinh: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Thông tư cũng quy định về việc xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu: lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh theo quy định của Điều lệ trường phổ thông; trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết; không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa (để hạn chế tiêu cực bắt ép học sinh học thêm); không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Ông Trần Thành Nam đánh giá cao quy định cấm giáo viên dạy thêm ngoài trường đối với học sinh chính giáo viên đó dạy trên lớp. Ý nghĩa của việc này là thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ học sinh ngay trên lớp học, giúp đảm bảo chất lượng giáo dục mà không cần thiết phải dạy thêm, học thêm.
Có thể thấy, thời gian qua, dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn, là nỗi bức xúc khó nói của phụ huynh vì chưa có những quy định cụ thể về dạy thêm, học thêm trong trường và ngoài trường. Giáo viên có thể dễ dàng dùng quyền lực mềm để “ép” phụ huynh đưa con đi học thêm; nhà trường xếp các môn học liên kết theo hình thức “cài răng lược” vào giờ học chính khóa để phụ huynh không có cơ hội từ chối. Những quy định mới vừa được ban hành đã tiếp thu từ phản ánh thực tế để hạn chế nhức nhối học thêm, dạy thêm hiện nay.
PGS. TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có nhiều điểm tích cực và thể hiện tư duy quản trị tiến bộ không còn tư duy “không quản được thì cấm”. Nó phù hợp với bối cảnh xây dựng nền giáo dục mở, năng lực học tập suốt đời của cộng đồng. Thông tư tạo hành lang pháp lí để cấm những hiện tượng tiêu cực của việc dạy thêm chứ không triệt tiêu những nhu cầu chính đáng, khát vọng học tập có thực của từng cá nhân người học.
Việc tăng cường trách nhiệm quản lí của người đứng đầu cơ sở giáo dục (hiệu trưởng) cũng phù hợp trong bối cảnh hiện tại vì chỉ những người quản lí ở cấp cơ sở mới hiểu sâu sắc tình hình và phản ứng nhanh để xóa sổ những tiêu cực liên quan đến dạy thêm học thêm. Theo ông Nam, bên cạnh cơ chế giám sát hành chính nhà nước, cần kết hợp cả cơ chế giám sát cộng đồng để đảm bảo tính liêm chính trong việc quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm.
Ông Nam đánh giá cao quy định cấm giáo viên dạy thêm ngoài trường đối với học sinh chính giáo viên đó dạy trên lớp. Ý nghĩa của việc này là thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ học sinh ngay tại lớp học, mà không cần thiết phải dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên cần cơ chế quản lí việc dạy thêm và học thêm một cách hiệu quả minh bạch. “Cần tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin trong việc quản lí học thêm, dạy thêm. Mục đích là để không dẫn đến sự quá tải trong năng lực tiếp nhận của người học. Việc học thêm cha mẹ có thể tự nguyện nhưng nếu quá tải so với lực học của học sinh thì cũng không thể tốt được”, ông Nam nói.
Đề xuất đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu - Đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT) nhìn nhận thêm vấn đề học thêm, dạy thêm dưới góc độ kinh tế. Bà đặt câu hỏi: Có nên xem mảng dạy thêm là “kinh doanh có điều kiện”? Việc đưa một ngành nghề vào danh mục kinh doanh có điều kiện nhằm đảm bảo các hoạt động kinh doanh trong ngành đó được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật và đảm bảo lợi ích chung của xã hội. Nếu dựa vào những tiêu chí ảnh hưởng đến an sinh như sự phổ biến của ngành nghề, sự phát triển của nguồn nhân lực… có thể thấy dạy thêm thực sự là ngành nghề đặc biệt.
Do đó, việc đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ giúp kiểm soát tốt hơn các trung tâm dạy thêm, ngăn chặn tình trạng chạy đua điểm số, dạy thêm quá tải, gây áp lực cho học sinh, cho cả giáo viên.
Việc đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ giảm thiểu bất bình đẳng, thúc đẩy việc học thêm phải dựa trên nhu cầu thực của người học, và khả năng đáp ứng của đơn vị cung cấp dịch vụ. Từ đó vai trò của gia đình, phụ huynh, của chính người học thực sự được nâng cao, mang tính quyết định khi lựa chọn dịch vụ dạy thêm. Đặc biệt, việc đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ giúp phân biệt giữa dạy thêm và hoạt động bổ trợ kiến thức tại trường học.
Điều này quan trọng trong thực tế hiện nay, khi ranh giới giữa hai hoạt động này mập mờ, khiến không ít nhà trường, tổ chức giáo dục không thực sự làm tốt vai trò, sứ mệnh giáo dục của mình, khiến việc lạm dụng dạy thêm xảy ra.