Một "việc cứng", hai việc phụ
Đi làm được 6 năm tại Hà Nội, anh Bạch Ngọc Đại (27 tuổi, Hoà Bình) luôn bận rộn với lịch trình làm việc kín ngày.
Từng là cử nhân văn hóa nhưng không tìm được công việc phù hợp, anh Đại quyết định đi học thêm lớp đào tạo thiết kế để có thể làm thêm việc. “Gánh nặng tiền nhà, tiền sinh hoạt, phụ giúp bố mẹ nuôi em rất nặng nề. Việc học thêm thiết kế giúp tôi tìm được nhiều công việc làm ngoài giờ hơn, tăng được thu nhập của mình", anh Đại bộc bạch.
Hàng ngày, ngoài làm ở công ty, giờ nghỉ trưa hay buổi tối, anh nhận thêm việc thiết kế từ 2 công ty nữa. "Từ đầu năm đến nay, tôi phải nghỉ làm ở mấy nơi rồi. Nguyên nhân là do công ty khó khăn, việc ít, thu nhập thấp. Nơi hiện tại tôi làm đã là công ty thứ 4 rồi", anh Đại chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ lựa chọn làm 2-3 công việc một lúc để tăng thêm thu nhập. |
Là cử nhân báo chí tốt nghiệp loại giỏi, Minh Anh (22 tuổi, Cầu Giấy) hiện vẫn chưa tìm được việc làm chính thức mà xoay xở cuộc sống với những công việc nhận thêm bên ngoài. Vốn mong muốn tìm một công việc truyền thông để gắn bó lâu dài, nhưng hiện tại Minh Anh chỉ có thể làm tự do với việc nhận viết bài SEO (bài tối ưu nội dung) và nhận viết kịch bản cho các video trên mạng xã hội.
Không chỉ có thành tích học tập tốt, Minh Anh cũng vô cùng năng nổ khi tham gia rất nhiều câu lạc bộ và "chinh chiến" ở vô vàn cuộc thi chuyên môn lớn nhỏ khác nhau. Bạn trẻ này từng rất tự tin với CV (lý lịch) ghi những gì bản thân rèn luyện trên ghế nhà trường, nhưng thực tế đã khiến Minh Anh “vỡ mộng”.
“Mình muốn làm trong môi trường để có thể học hỏi thêm kinh nghiệm nhưng suốt từ lúc ra trường tới giờ vẫn chưa tìm được chỗ làm ưng ý. Từ khi ra trường không nhận được chu cấp của gia đình nữa, mình cày vào viết bài mới có thể trả nổi 2 triệu tiền nhà và tiền ăn uống sinh hoạt. Cảnh làm việc tới 3,4 giờ sáng là bình thường, không "cày" làm gì giữ được mối, cũng làm sao có tiền để sống. Nhiều bạn bè mình vì sốt ruột đã đi làm, nhưng công việc nhiều mà mức lương thấp, phải may mắn lắm mới tìm được công việc tốt trong thời gian này ".
Ở một góc độ khác, những lao động như anh Phùng Trường (27 tuổi, Hoài Đức) lại nhiều lo lắng về việc bị sa thải. Mặc dù đã gắn bó với công ty vận tải này được gần 2 năm nhưng vị trí logistics (vận tải hàng hóa) của anh luôn bấp bênh vì công ty cắt giảm nhân sự. Thực tế công việc đang rất nhiều nhưng trước việc không giỏi về tiếng Trung, anh đang phải cạnh tranh với các nhân sự khác để giữ vị trí của mình.
HR (nhân sự) của công ty chia sẻ thực tế với anh Trường, nếu chuyên môn tốt mà ngoại ngữ, kỹ năng tin học làng nhàng thì trước sau cũng sẽ bị đào thải. Điều quan trọng là nhân sự cần tập trung phát triển kỹ năng của bản thân, làm sao để mình đi trước đón đầu được những mong muốn về lao động trong thời gian tới, thay vì “lo bò trắng răng" rằng mình có bị sa thải hay không.
Thích ứng với yêu cầu mới của thị trường lao động
Tình trạng nghỉ việc, thất nghiệp, khó tìm việc làm vì các công ty thiếu việc, chậm lương, đãi ngộ sa sút,... là hiện tượng phổ biến thời gian gần đây. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong 5 tháng đầu năm, có 509.903 lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương, chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp. Theo dự báo, tình hình khó khăn còn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023.
Nhiều vị trí công việc đòi hỏi người trẻ luôn phải tự cập nhật, đón đầu xu hướng. |
Theo các chuyên gia kinh tế, bước sang năm 2023, “làn sóng” sa thải nhân viên tiếp tục diễn ra trong nhiều lĩnh vực và trên quy mô toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước đó, tình trạng lao động buộc nghỉ do giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn. Đáng lưu ý, trong quý II/2023, cả nước có hơn 1 triệu thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo.
Trong khi đó, đối với người lao động, việc bị cuốn vào “cơn bão” sa thải như một "phép thử" với người lao động, đặc biệt là với lao động gen Z (nhóm người sinh từ năm 1995 đến năm 2012). Giữa bối cảnh xu hướng tiêu dùng thay đổi liên tục, lao động sở hữu các kỹ năng phù hợp với xu thế có thể tìm thấy nhiều cơ hội, thậm chí trong các lĩnh vực trước đây chưa từng có.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn từ cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như tỉ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao chỉ chiếm hơn 11% tổng lực lượng lao động (theo nghiên cứu của ManpowerGroup); năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN; năng lực ngoại ngữ rất hạn chế… Tác động kép là kết quả nhãn tiền, người lao động có trình độ kỹ năng càng đơn giản sẽ càng chịu tác động lớn và nguy cơ mất việc càng cao.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, trong trung hạn quá trình phục hồi nền kinh tế sẽ giữ nguyên như hiện tại, tức là đi theo hướng tiếp tục giảm lao động, đặc biệt là trong những ngành mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số dần chiếm lĩnh để tăng năng suất lao động.
Tình trạng giảm lao động cũng sẽ diễn ra mạnh ở phân khúc thấp của thị trường lao động, nhất là đối với những lao động không có chuyên môn kỹ thuật. Do đó, để trụ vững, người lao động cần phải nâng cao trình độ, kỹ năng mới có thể đáp ứng được yêu cầu.