Cần thêm nhiều chương trình có sức chạm đến sinh viên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại hội nghị lấy ý kiến các cựu cán bộ Đoàn, Hội; Hội đồng tư vấn, đồng hành với sinh viên; các chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý khu vực miền Nam để góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiều ý kiến của các đại biểu mong muốn cần xây dựng nhiều chương trình đồng hành và phát huy nguồn lực sinh viên.

Chiều ngày 8/9, tại Hội trường Thành Đoàn TP. HCM, Ban Thư ký T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các cựu cán bộ Đoàn, Hội; Hội đồng tư vấn, đồng hành với sinh viên; các chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý khu vực miền Nam nhằm góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI.

Phải biết sinh viên cần gì, muốn gì?

Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, anh Nguyễn Minh Triết – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, Ban Thư ký T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam cũng đã tiến hành 2 cuộc khảo sát, nghiên cứu và lấy ý kiến sinh viên trên diện rộng gồm Đề tài nghiên cứu “Lối sống và định hướng giá trị của sinh viên hiện nay” (số lượng mẫu định lượng hơn 25.000 sinh viên và số lượng mẫu định tính gần 100 sinh viên) và Chương trình khảo sát trực tuyến “Hiến kế sinh viên”(số lượng sinh viên tham gia đóng góp hơn 10.500 người).

Cần thêm nhiều chương trình có sức chạm đến sinh viên ảnh 1

Anh Nguyễn Minh Triết – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Theo anh Triết, đến nay quá trình lấy ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI đã trải qua 10 lần xin ý kiến tại các Hội nghị Ban Thư ký, Ban Chấp hành T.Ư Hội khóa X, Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng; xin ý kiến Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Tiểu ban Nội dung Đại hội Hội Sinh viên toàn quốc lần thứ XI, Hội nghị lấy ý kiến góp ý tại 3 miền (Bắc, Trung Nam), Hội nghị lấy ý kiến sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, sinh viên Việt Nam tiêu biểu các thời kỳ và lấy ý kiến các anh chị phóng viên, báo chí truyền hình. Đồng thời, dự thảo Báo cáo chính trị cũng đã gửi xin ý kiến rộng rãi của các đại biểu dự Đại hội Hội Sinh viên các cấp tại cơ sở...

Cần thêm nhiều chương trình có sức chạm đến sinh viên ảnh 2

Quang cảnh tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) nêu ra ba câu hỏi mang tính gợi ý cho hội nghị: “Sinh viên thời nay có thế mạnh gì? Họ muốn gì? Và họ cần điều gì?”. Theo PGS. TS. Nguyễn Đức Lộc, thế hệ sinh viên hiện nay sở hữu ưu thế về ngoại ngữ, công nghệ và được trang bị đầy đủ kỹ năng để đáp ứng xu thế hội nhập. “Là một tổ chức của sinh viên, cần phải hiểu rõ những thế mạnh, mong muốn của giới trẻ, đồng thời phải nhìn thấy được các bạn cần điều gì để có thể thiết kế ra những chương trình có sức chạm, hỗ trợ một cách thiết thực và có sự tham gia của các bạn”, PGS. TS. Nguyễn Đức Lộc nói.

Cần thêm nhiều chương trình có sức chạm đến sinh viên ảnh 3
PGS. TS. Nguyễn Đức Lộc nêu 3 vấn đề để hội nghị cùng thảo luận.

Là cựu cán bộ Hội, ông Nguyễn Việt Quế Sơn - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Bình Tân, nguyên Phó Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam cho rằng, để thực hiện mục tiêu của nghị quyết, vai trò của Hội Sinh viên rất quan trọng. “Hội cần nghiên cứu và tạo ra các mô hình, hoạt động, đề án và nội dung phù hợp với trọng tâm của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, cuộc sống sinh viên không chỉ đơn giản là việc học tập và rèn luyện mà còn nhiều khía cạnh khác nhau, từ xây dựng mối quan hệ đến sinh hoạt cộng đồng. Hội cũng cần nghiên cứu thêm về cách hỗ trợ sinh viên để các bạn phát triển toàn diện và trở thành công dân toàn cầu, như lời nhắn nhủ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong bức thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2023 – 2024”, ông Sơn bày tỏ.

Cần thêm nhiều chương trình có sức chạm đến sinh viên ảnh 4

Ông Nguyễn Việt Quế Sơn phát biểu tại hội nghị.

Cần thêm nhiều chương trình tư vấn, đồng hành cùng sinh viên

Dưới góc độ là lãnh đạo nhà trường, TS. Huỳnh Ngọc Anh - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ TP. HCM cho rằng nên nhìn nhận, đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp, xã hội về việc thực hiện phong trào “Sinh viên 5 tốt” suốt 14 năm qua đã đạt kết quả như thế nào, tác động xã hội ra sao và các bạn Sinh viên 5 tốt tới nay đã làm gì, đã đóng góp gì cho xã hội cũng như doanh nghiệp?

Với đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp” đến năm 2025, chỉ còn hai năm thực hiện, TS. Huỳnh Ngọc Anh cũng băn khoăn khi hiện tại vẫn chưa có những hệ sinh thái cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ thực hiện đề án trên. “Sinh viên hiện nay chủ động hơn, có xu hướng muốn tự thực hiện các dự án cá nhân, do đó các tổ chức Hội Sinh viên phải làm sao để có thể kết nối doanh nghiệp và xã hội, từ đó tạo ra một hệ sinh thái vững vàng để có thể hỗ trợ, đồng hành với các dự án khởi nghiệp của sinh viên”, TS. Huỳnh Ngọc Anh nói.

Cần thêm nhiều chương trình có sức chạm đến sinh viên ảnh 5

TS. Huỳnh Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.

Theo TS. Huỳnh Ngọc Anh từ nghiên cứu về tác động của chuyển đổi số lên tâm lý, sinh lý, sức khỏe của giới trẻ cho thấy những kết quả đáng lo ngại. “Trong giai đoạn chuyển đổi số sắp tới, Hội sẽ có những hoạt động gì để hỗ trợ, đồng hành cùng các bạn sinh viên”, TS. Huỳnh Ngọc Anh nêu vấn đề.

Tại hội nghị, TS. Trần Văn Thịnh - Phó trưởng khoa Nông học, nguyên Quyền Bí thư Đoàn trường ĐH Nông lâm TP. HCM cho biết, do ảnh hưởng của công cuộc chuyển đổi số hiện nay, các ngành học về Công nghệ thông tin đang rất “hot”, tỉ lệ nhập học cao. Tuy nhiên, đối với các khối ngành Nông – Lâm - Ngư nghiệp lại ngược lại, tuyển sinh rất khó khăn. “Chúng ta luôn tự hào về nền nông nghiệp Việt Nam, sản xuất, xuất khẩu được nhiều mặt hàng nông sản nổi tiếng thế nhưng công tác tìm kiếm sinh viên, người tài trong lĩnh vực này lại rất khó khăn”, TS. Trần Văn Thịnh nêu thực trạng.

Cần thêm nhiều chương trình có sức chạm đến sinh viên ảnh 6

Bí thư Thành Đoàn TPHCM Phan Thị Thanh Phương chia sẻ thêm tại hội nghị.

Theo TS. Trần Văn Thịnh, Hội Sinh viên Việt Nam cần nghiên cứu, triển khai thêm nhiều các chương trình tư vấn, đồng hành cùng sinh viên ngành Nông – Lâm - Ngư nghiệp và có các chính sách hỗ trợ giúp sinh viên vượt qua khó khăn, có cơ hội phát triển bản thân để cống hiến cho đất nước.

Tại buổi góp ý, các đại biểu còn cho ý kiến về các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ và các chương trình hỗ trợ sinh viên. Đại diện T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam anh Nguyễn Minh Triết đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, qua đó sẽ có những nghiên cứu, sửa đổi bổ sung dự thảo để báo cáo trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, anh Nguyễn Minh Triết cho rằng, việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI lần này đã được tiến hành bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp.

Cần thêm nhiều chương trình có sức chạm đến sinh viên ảnh 7

Anh Nguyễn Minh Triết – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam phát biểu kết luận tại hội nghị.

Theo anh Triết, để đảm bảo được mục tiêu trên và chất lượng báo cáo chính trị trình Đại hội, Ban Thư ký T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam xác định đội ngũ các cựu cán bộ Đoàn, Hội; Hội đồng tư vấn, đồng hành với sinh viên; các chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý có vai trò rất quan trọng trong việc tham góp các nội dung văn kiện.

“T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam luôn xác lập quan điểm xây dựng Báo cáo chính trị dựa trên nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi trong nhiều nhóm đối tượng”, anh Triết nói.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.