Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Mở không gian, đẩy mạnh kết nối, tạo lực phát triển mới

TP - Trò chuyện với PV Tiền Phong, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thành phố kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: TP Bắc sông Hồng (Mê Linh-Sóc Sơn-Đông Anh), TP phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc-Xuân Mai) và 5 trục phát triển. Đồng thời đang định hướng đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai để không chỉ góp phần giải quyết các bức xúc hiện tại trong nội đô như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn kết nối Thủ đô với tỉnh, thành trong khu vực.

Nói về kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết: Thành ủy đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương, quy định của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, ban hành hơn 40 nghị quyết, quy định, đề án quan trọng với nhiều quan điểm mới. Đặc biệt, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, cùng người dân và doanh nghiệp.

Kinh tế Thủ đô đã phục hồi tăng trưởng mạnh. Năm 2022, GRDP tăng 8,89% so với năm 2021. Sáu tháng đầu năm 2023, GRDP tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách đạt 220.000 tỷ đồng, bằng 64,2% dự toán. Trong đó, 94% là thu nội địa, gồm nguồn thu từ thuế, phí, hoạt động kinh doanh, nên cơ cấu thu rất bền vững. Quy mô kinh tế Thủ đô đến nay tương đương 50 tỷ USD (cả nước là 409 tỷ USD).

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Mở không gian, đẩy mạnh kết nối, tạo lực phát triển mới ảnh 1

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: PV.

Kiên định 5 trục phát triển

Thưa ông, Hà Nội hiện đang chuẩn bị trình cấp thẩm quyền Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Ông có thể chia sẻ về định hướng các vấn đề rất quan trọng này?

Thành phố đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến báo cáo Chính phủ trình Quốc hội 3 nội dung có tính chiến lược vào kỳ họp tháng 10 tới gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố đang xây dựng theo hướng kiến nghị giao quyền cho Hà Nội, tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển. Ví dụ như giao quyền cho Thủ đô quyết định đầu tư công; các dự án theo hình thức công - tư (PPP); đầu tư các dự án cầu quy mô lớn như các cầu qua sông tại Hà Nội (cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên) có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng (thuộc nhóm dự án trọng điểm quốc gia) hay các cầu liên tỉnh thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách T.Ư như cầu Ngọc Hồi, cầu Vân Phúc...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, Thành ủy Hà Nội sẽ xem xét ban hành riêng một Chỉ thị về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo hướng, dù là người Hà Nội gốc hay người nơi khác sinh sống, làm việc tại thành phố đều phải thanh lịch, văn minh, hào hoa theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, hướng tới xây dựng Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại trong chiến lược phát triển.

Về Định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất điều chỉnh thành "Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065".

Thành ủy cho rằng, việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải đảm bảo định hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; đồng thời, phải khai thác được hiệu quả các điều kiện tự nhiên; giữ gìn bản sắc văn hóa; từng bước nâng cao chất lượng đô thị và nông thôn.

Thành phố kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), Thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) và 5 trục phát triển.

Đầu tiên là trục không gian sông Hồng, lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay. Thứ hai, trục không gian Hồ Tây - Ba Vì, kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Một trục không gian nữa là Hồ Tây - Cổ Loa, xác lập không gian kiểm soát đặc biệt, gồm tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng. Thứ tư là trục không gian Nhật Tân - Nội Bài sẽ là trục đô thị thông minh. Cuối cùng là trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại Mỹ Đức và Hà Nam.

Đối với Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố tiếp tục nghiên cứu, rà soát nội dung đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng bộ, thống nhất về tổ chức không gian với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Bên cạnh đó, sẽ bổ sung, làm rõ hơn vai trò của kinh tế du lịch; nhấn mạnh về các điều kiện đặc thù, tiềm năng của hệ thống sông, hồ và rừng của thành phố không chỉ có vai trò là cảnh quan, sinh thái, môi trường mà còn có ý nghĩa về giá trị văn hóa - lịch sử và coi đây là nguồn lực để phát triển của Hà Nội…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Mở không gian, đẩy mạnh kết nối, tạo lực phát triển mới ảnh 2

Hà Nội định hướng lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay Ảnh: Như Ý

Đầu tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119 về việc chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ KH&CN về UBND thành phố Hà Nội quản lý. Cùng với hệ thống các trường đại học đã hình thành ở khu vực Hoà Lạc sẽ là tiền đề quan trọng tiến tới tạo lập thành phố phía Tây Hà Nội, định hướng trở thành thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.

Trong khi đó, với Sân bay Nội Bài làm trung tâm, cùng với quá trình đang phát triển lên quận của huyện Đông Anh, thành phố phía Bắc trực thuộc Thủ đô (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) cũng sẽ sớm hình thành, nghiên cứu định hướng chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế…

“Hạt nhân” kết nối, phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị lần đầu tiên của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó Hà Nội đóng vai trò quan trọng, là hạt nhân kết nối. Thành phố sẽ làm gì để phát huy vai trò của mình, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của cả vùng?

Tháng 6 vừa qua, Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Dự án này là một ví dụ điển hình của việc đầu tư cơ sở hạ tầng hướng tới kết nối vùng, mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội và các tỉnh trong vùng.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô không chỉ nhằm cụ thể hóa chủ trương của T.Ư về việc sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung tạo động lực phát triển mới mà còn nhằm tiết kiệm, chống lãng phí.

Kinh nghiệm từ thực hiện các dự án đường Vành đai 1, Vành đai 2,5 của Thủ đô cho thấy, làm sớm được ngày nào không những tiết kiệm rất lớn cho ngân sách ngày đó, mà còn ổn định lâu dài đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Mở không gian, đẩy mạnh kết nối, tạo lực phát triển mới ảnh 3

Một góc thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Như Ý.

Tôi từng nhiều lần phát biểu chỉ ra tính kết nối vùng của đất nước ta còn yếu. Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ khắc phục điều này. Hà Nội làm Vành đai 4 với tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, không chỉ cho riêng Hà Nội, mà còn cho cả vùng. Đối với Bắc Ninh, Hưng Yên nơi dự án đi qua, lợi thế, tiềm năng phát triển đã rõ.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc (nơi dự án không trực tiếp đi qua) trao đổi với tôi là tỉnh chỉ cần làm thêm mấy cây số kết nối vào đường song hành Vành đai 4 là có 1 nghìn ha đất làm đô thị và khu công nghiệp. Tỉnh Bắc Giang cũng vậy, chỉ cần làm cầu đường kết nối vào thôi là có điều kiện mở mang, phát triển...

Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai.

Chúng tôi đang định hướng đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5; đầu tư hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống tạo điểm nhấn về kiến trúc gắn với quy hoạch các công trình hiện đại hai bên bờ sông…

Các đường Vành đai, các thành phố trực thuộc Thủ đô, các đô thị vệ tinh… sẽ góp phần giải quyết các bức xúc hiện tại trong nội đô như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đồng đều trên địa bàn thành phố; đồng thời, góp phần quan trọng để kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành trong khu vực.

Để làm được nhiều việc như vậy, không chỉ Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành trong vùng đang kiến nghị, cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Mở không gian, đẩy mạnh kết nối, tạo lực phát triển mới ảnh 4

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng trong một buổi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: PV.

Hà Nội đã khởi công dự án Đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, phấn đấu cùng với Bắc Ninh, Hưng Yên hoàn thành trước năm 2027. Thành phố cũng vừa phê duyệt chỉ giới đường đỏ đường nối đi Bái Đính - Ba Sao với đường trục phía Nam, góp phần hoàn chỉnh tuyến Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính theo quy hoạch được duyệt để tăng cường liên kết vùng giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh phía Nam.

Chúng tôi cũng đang chỉ đạo tập trung thúc đẩy các dự án giao thông quan trọng cửa ngõ thành phố như cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6; dự án đường Hà Đông - Xuân Mai; dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, dự án đường sắt đô thị Yên Nghĩa - Xuân Mai…

Trong tương lai, thành phố sẽ chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô trước năm 2030; nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân... Hà Nội và các đơn vị liên quan cũng tiếp tục nghiên cứu nâng cấp, mở rộng sân bay Nội Bài; nghiên cứu vị trí xây dựng thêm 1 sân bay, dự kiến đặt tại các huyện phía Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc.

Xin cảm ơn ông!

“Thúc đẩy triển khai 3 đột phá chiến lược: Kết nối hạ tầng chiến lược trong vùng, cụ thể như đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng và đường ven biển từ Thanh Hóa - Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hiện nay các dự án đang làm rồi thì tới đây phải làm tiếp. Kết nối hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật điện, nước, viễn thông. Kết nối tạo nguồn nhân lực và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng nhau xây dựng thể chế ưu tiên, ưu đãi, đặc thù vượt trội cho vùng... trong đó có nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng

Tin liên quan