Ứng Hòa vượt khó vươn mình

0:00 / 0:00
0:00
TP - Được quy hoạch là vành đai xanh của thành phố Hà Nội, với nỗ lực của mình, Ứng Hòa đạt nhiều thành tựu sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, nhiều tiêu chí nông thôn mới của huyện đã hoàn thiện, đang chờ được công nhận.

Hạ tầng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại

Theo lãnh đạo huyện Ứng Hòa, đến nay, toàn bộ 28/28 xã trên địa bàn huyện đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 06/28 xã (đạt 21,4%) được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thị trấn Vân Đình đã được UBND huyện Ứng Hòa công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị từ tháng 7/2022.

Ứng Hòa vượt khó vươn mình ảnh 1

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà và lãnh đạo huyện Ứng Hòa gắn biển công trình di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố chùa Thống Nhất

Riêng về công tác quy hoạch, theo UBND huyện Ứng Hòa, trước khi xây dựng nông thôn mới, các xã mới có quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, quy hoạch ở các xã có nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tất cả các xã cần được lập quy hoạch mới.

Huyện đã hoàn thành phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của 28/28 xã theo Thông tư 02/2017/TT ngày 01/3/2017 của Bộ xây dựng; hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch khu trung tâm xã và điểm dân cư xã tỷ lệ 1/500 của 28 xã trên địa bàn, đạt 100%.

Trước đó, nhằm cụ thể hoá định hướng phát triển Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn từ 2011-2016 huyện Ứng Hòa đã từng bước được phủ kín quy hoạch bao gồm các loại quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chuyên ngành như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Ứng Hòa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng huyện Ứng Hòa, tỷ lệ 1/10.000; Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Vân Đình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỷ lệ 1/5000...

Ứng Hòa vượt khó vươn mình ảnh 2

Đường liên xã, liên thôn trên địa bàn huyện Ứng Hòa đã được thảm nhựa, hoặc bê tông hoá đảm bảo việc đi lại thuận tiện quanh năm

Nhận thức rõ vai trò, vị trí của cơ sở hạ tầng, huyện Ứng Hòa tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là các công trình giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Kết quả từ năm 2010, huyện đã đầu tư hơn 1.429 tỷ đồng xây mới, cải tạo nâng cấp 388,84 km đường giao thông nông thôn. Trong số này có 73,9 km đường trục xã, liên xã; 47,67 km đường trục thôn, liên thôn; 168,27km đường ngõ xóm và 99 km đường nội đồng. Toàn bộ tuyến đường cấp huyện do huyện quản lý được cải tạo, nâng cấp, mở rộng với mặt cắt rộng từ 5,5 -7,5m đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp V đồng bằng. Toàn bộ 100% đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hoá. Đường ngõ xóm cũng được nhựa hoá, bê tông hoá toàn bộ, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm.

Trong giai đoạn 2021-2025, UBND huyện tiếp tục thực hiện duy tu, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyện quản lý và xây mới một số tuyến đường theo quy hoạch như: Đường tránh Quốc lộ 21B qua thị trấn Vân Đình (6,6 km); Đường tỉnh lộ 429A, 429B (30,6 km); Đường trục kinh tế phía Bắc huyện (7,2 km); Đường tỉnh lộ 426 (8 km); Đường Minh Đức- Ngăm (8 km); Đường Đỗ Xá- Quan Sơn (6,5 km)…

Văn hóa, xã hội phát triển

Về lĩnh vực văn hóa xã hội, lãnh đạo UBND huyện Ứng Hòa cho biết, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT được duy trì thường xuyên và đẩy mạnh trong các đợt cao điểm. Đến hết năm 2022 tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện đạt 92,84% (tăng 42,94% so với năm 2010).

Thành phố và huyện đã thường xuyên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và củng cố, phát triển mạng lưới y tế cơ sở hoạt động hiệu quả, chủ động triển khai phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19...

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện được quan tâm. Chất lượng khám, chữa bệnh, chuẩn đoán và điều trị từng bước nâng cao. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Công tác xây dựng và duy trì tiêu chí quốc gia về y tế xã được triển khai theo đúng kế hoạch.

Ứng Hòa vượt khó vươn mình ảnh 3

Giao thông kết nối trên dịa bàn huyện Ứng Hoà đang dần hoàn thiện

Giai đoạn 2010 - 2022, huyện đã xây dựng mới Phòng khám đa khoa khu vực Lưu Hoàng và 15 Trạm y tế xã với kinh phí hơn 120 tỷ đồng, đồng thời cải tạo, nâng cấp 14 trạm y tế của các xã, thị trấn với kinh phí 10,4 tỷ đồng, đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân địa phương.

Đến nay, tại 2 phòng khám đa khoa khu vực Lưu Hoàng, Đồng Tân; 100% Trạm Y tế xã, thị trấn có bác sĩ làm việc thường xuyên, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tại Ứng Hòa, số giường bệnh/vạn dân là 25 giường, số bác sĩ/vạn dân là 7,76 bác sĩ. Bệnh viện Đa khoa Vân Đình được đầu tư, nâng cấp lên Bệnh viện hạng II với kinh phí hơn 167 tỷ đồng.

Huyện cũng quan tâm chỉ đạo, dành ngân sách đầu tư cải tạo, xây dựng mới hội trường UBND các xã sử dụng làm hội trường đa năng có cơ sở vật chất khang trang, đảm bảo phục vụ các chương trình văn hóa - văn nghệ của xã.

Các xã cũng đều có sân thể thao để tổ chức các giải thi đấu thể thao toàn xã. 145 thôn, tổ dân phố đều có nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, điểm sinh hoạt cộng đồng trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân địa phương.

Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư, cải tạo về cơ sở vật chất, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh…

Giai đoạn 2010-2022, quy mô giáo dục trên địa bàn huyện tiếp tục được duy trì ổn định và phát triển. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường, cơ bản được chuẩn hóa và từng bước hiện đại.

Tổng ngân sách đầu tư cho công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện hơn 1.462 tỷ đồng. Trong đó ngân sách thành phố 1.033,4 tỷ đồng; ngân sách huyện 400 tỷ đồng và ngân sách cấp xã 29 tỷ đồng.

Đến hết năm 2022, toàn bộ 90/90 trường học các cấp (Mầm non, Tiểu học, THCS) đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất mức độ 1; 84/90 trường học đạt chuẩn Quốc gia (tỷ lệ 93,33%), tăng 66 trường so với cùng kỳ năm 2010.

An sinh xã hội tiếp tục là một điểm sáng, cụ thể đầu năm 2020, toàn huyện có 595 hộ nghèo chiếm 1,01%. Để tập trung thực thực hiện tốt các cơ chế, chính sách quan đến đến người yếu thế trong xã hội, UBND huyện đã xây dựng, triển khai thực hiện Đề án, kế hoạch về “Nâng cao hiệu quả thoát nghèo bền vững năm” toàn huyện đã vận động để thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, vươn lên thoát nghèo như hỗ trợ xây, sửa nhà, hỗ trợ xe máy, vật nuôi, sổ tiết kiệm để ổn định cuộc sống với số tiền trên 7 tỷ đồng.

Đến nay, huyện giảm chỉ còn 02 hộ nghèo, chiếm 0,003% theo chuẩn nghèo đa chiều, phấn đấu cuối năm 2023 huyện không còn hộ nghèo. Nhằm đáp ứng mong mỏi của người dân về nước sạch, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, phối hợp với đơn vị thi công để triển khai cấp nước tập trung đến các hộ gia đình, theo kế hoạch đến hết năm 2023, đạt 74%; đến hết tháng 6/2024 đạt 100% số hộ trên địa bàn huyện được cung cấp nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung.

Đặc biệt, việc xây dựng cảnh quan, không gian trên địa bàn toàn huyện đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. UBND huyện đã quy hoạch và thực hiện quy hoạch, cải tạo ao hồ, xây dựng cảnh quan, môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế.

Để duy trì, phát triển các giá trị sinh thái và kinh tế, hằng năm các xã đều tiến hành cải tạo, nạo vét bùn ao, tu bổ; thường xuyên vớt rác mặt nước, giữ gìn vệ sinh ao, hồ xanh - sạch - đẹp. Các ao, hồ đã được đầu tư xây dựng bờ tường bao, rào chắn, biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ mất an toàn đảm bảo an toàn cho người dân.

Trong các khu dân cư, các hộ dân đã thực hiện cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào bằng cây xanh, xây dựng tường rào có phủ cây xanh. Hàng rào bằng cây thường xuyên được các hộ cắt tỉa gọn gàng, sạch đẹp trong khuôn viên gia đình, không vươn ra đường gây cản trở giao thông... từng bước hình thành, tạo không gian đáng sống cho người dân.

Năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Ứng Hòa đạt khoảng 4.689 tỷ đồng (tăng 4,59% so với cùng kỳ). Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2011-2015 đạt mức tăng bình quân 1,7%/năm; giai đoạn 2016-2022 tốc độ tăng bình quân đạt 6,12%/năm. Tốc độ tăng bình quân ngành thương mại - dịch vụ giai đoạn 2011-2015 đạt 10,3%; giai đoạn 2016-2022 đạt 10,68%/năm. Các ngành dịch vụ đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Năm 2022 thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 61,527 triệu đồng/người/năm, tăng 49,147 triệu so với năm 2010.

Huyện xác định cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thu ngân sách, huy động tối đa nguồn lực của địa phương để có đủ nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó quan tâm đến hạ tầng khung, hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội, thương mại, dịch vụ, các cụm công nghiệp làng nghề, các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh gắn với liên kết chuỗi giá trị, các mô hình sản xuất công nghệ cao. Quan tâm đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn và giữ vững an ninh trật tự. Phấn đấu đến hết năm 2025 huyện có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 53,6%); 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 28,6%). Đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.448 tỷ đồng; thu nhập bình quân/người đạt 80 triệu đồng trở lên…

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.