Chậm khắc phục hậu quả sạt lở ở vùng núi Quảng Nam

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau gần 3 năm, việc khắc phục các tuyến đường ở vùng sạt lở huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vẫn chưa xong. Các nhà thầu không thi công hoặc thi công ì ạch, đổ lỗi cho giá vật liệu tăng cao.

Ám ảnh sạt lở

Trận mưa bão lịch sử hồi tháng 10/2020 gây sạt lở nghiêm trọng thiệt hại về người, tài sản và hạ tầng ở các xã vùng cao huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Tuy nhiên, sau gần 3 năm, vùng sạt lở các xã Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim của huyện Phước Sơn vẫn ngổn ngang ở các tuyến đường liên xã (ĐH). Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, dọc các tuyến đường ĐH với chiều dài hơn 40km, nhiều điểm sạt lở hư hỏng vẫn chưa được khắc phục dù việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công các dự án khôi phục, tái thiết các tuyến đường đã hơn 2 năm. Nhiều vị trí hầu như không có bóng dáng công nhân, máy móc thiết bị thi công.

Chậm khắc phục hậu quả sạt lở ở vùng núi Quảng Nam ảnh 1

Sau 3 năm, tuyến đường ở các xã vùng cao Phước Sơn vẫn còn ngổn ngang sau sạt lở. Ảnh: Nguyễn Thành

Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH ở vùng sạt lở Phước Sơn đi qua 4 xã Phước Đức, Phước Chánh, Phước Kim, Phước Thành. Trong đó đoạn Phước Kim - Phước Thành dài 10km, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng; đoạn từ xã Phước Thành - Phước Lộc, có chiều dài 10,21km, với tổng mức đầu tư 152 tỷ đồng. Cả 2 dự án này đều do UBND huyện Phước Sơn làm chủ đầu tư, nhằm sửa chữa, khắc phục các tuyến đường bị hư hỏng do thiên tai, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại, ổn định đời sống của nhân dân. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2024.

Theo lãnh đạo huyện Phước Sơn, dự án khôi phục, tái thiết các tuyến đường ĐH trên địa bàn huyện đã không được đưa vào dạng dự án cấp thiết cho nên buộc phải tiến hành đầy đủ thủ tục liên quan mới có thể tiến hành thi công. Vì vậy, kể từ cuối năm 2020, khi các tuyến đường đã bị phá nát thì phải đến gần 1 năm sau, dự án mới đảm bảo thủ tục để tiến hành thi công. Tuy nhiên, trong hơn 2 năm thi công, đến nay các tuyến đường vẫn là những vệt dài nham nhở.

Ông Hồ Văn Công (một người dân thôn 1, xã Phước Thành), cho biết: “Đường sá sạt lở, hư hỏng mãi khắc phục không xong khiến người dân đi lại rất khó khăn, mỗi lần mưa to không dám ra đường vì ám ảnh sạt lở. Người dân đã kiến nghị với chính quyền nhiều lần đốc thúc các nhà thầu thi công nhưng vẫn không thấy chuyển biến gì nhiều”.

Sẽ thực hiện như cam kết?

Ban quản lý Dự án (BQLDA) huyện Phước Sơn cho biết, hiện các nhà thầu tham gia dự án thực hiện không đảm bảo theo hồ sơ dự thầu. Có nhà thầu không triển khai thi công, trong khi hiện trạng trên tuyến đường do mưa lũ thường xuyên nên đã xói lở nền mặt đường, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, phát sinh thêm khối lượng so với thiết kế.

Tính đến tháng 7/2023, giá trị khối lượng đạt được của 2 nhà thầu trên tuyến ĐH1 chỉ đạt hơn 30% giá trị hợp đồng; giá trị khối lượng đạt được của 4 nhà thầu trên tuyến ĐH2 chỉ đạt hơn 14 % giá trị hợp đồng. Mới đây đồng loạt các nhà thầu đã có văn bản gửi UBND huyện Phước Sơn “than khổ” để biện minh cho việc chậm trễ.

Trong văn bản gửi chính quyền địa phương, Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương (đơn vị thi công tuyến ĐH1) cho rằng sau khi nhà thầu ký kết hợp đồng thi công thì giá vật liệu tăng đột biến. Theo lãnh đạo công ty này, khối lượng công ty thi công hơn 16 tỷ đồng (khoảng 25% khối lượng hợp đồng) do chênh lệch giá vật tư nên công ty lỗ khoảng hơn 3 tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ công trình theo giá vật liệu hiện nay thì dự kiến sẽ lỗ khoảng 12 tỷ đồng. Tương tự, các nhà thầu thi công khác cũng có văn bản tương tự và đề nghị tháo gỡ khó khăn mới thi công trở lại.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: “Lãnh đạo huyện mới đi kiểm tra, trên thực tế có nhiều đoạn hầu như nhà thầu chưa thi công gì. Tại các công trường thi công có bố trí nhân lực nhưng ít so với quy mô công trình. Các đơn vị đã cam kết, nếu không thực hiện đúng sẽ xử lý theo quy định”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.