Sáng 22/6, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR, chủ đầu tư) đã tổ chức khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật - dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Theo đó, quá trình thi công được chia làm 2 giai đoạn, bao gồm thi công xây dựng hệ thống cấp và thoát nước; điện cao thế (110kV) bố trí một lần vào hành lang 5m hai bên hông nhà ga ngầm, nhà ga trên cao; di dời tạm các công trình điện (trung thế và hạ thế), công trình viễn thông…
Giai đoạn 2, nhà thầu sẽ di dời tái lập ngầm vĩnh viễn công trình điện (trung và hạ thế), công trình viễn thông vào hào kỹ thuật ngầm đảm bảo phù hợp thiết kế, cảnh quan đô thị.
Phối cảnh công trình hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2 TPHCM. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi dự án metro số 2 TPHCM gồm công trình cấp, thoát nước, công trình điện, viễn thông, cây xanh, chiếu sáng…
Trong lần triển khai gói thầu này, chủ đầu tư đã áp dụng mô hình BIM (mô hình thông tin công trình) ngay từ trong giai đoạn thiết kế. Việc áp dụng mô hình BIM đã góp phần giúp Chủ đầu tư phát hiện xung đột giữa các hạng mục Hạ tầng kỹ thuật từ rất sớm trong quá trình thiết kế và kịp thời đề xuất các biện pháp thi công phù hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. BIM sẽ được tiếp tục áp dụng trong giai đoạn quản lý thi công các công trình này, nghiệm thu và đến khi bàn giao công trình đưa vào sử dụng.
“Rút kinh nghiệm từ tuyến metro 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và các dự án đường sắt đô thị khác của các nước, việc bàn giao mặt bằng “sạch” cho các nhà thầu chính của tuyến metro 2 sẽ giúp thực hiện nhanh chóng công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tránh việc khiếu kiện/khiếu nại của các nhà thầu”- ông Hiển thông tin.
Cũng theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, trong tương lai, tại khu vực lân cận các nhà ga của dự án, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo các Sở ngành và chủ đầu tư triển khai việc Phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) góp phần chỉnh trang đô thị, phát huy hiệu quả tối đa của dự án và nguồn lực đất đai…
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. |
Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, công trình xây dựng và tái bố trí hạ tầng kỹ thuật thuộc Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM được khởi công, làm tiền đề cho việc chuẩn bị mặt bằng “sạch”, cả trên mặt đất và cả không gian ngầm để bàn giao cho các nhà thầu chính thi công nhà ga, đường hầm vào đầu năm 2025.
“Trong thời gian triển khai dự án sắp tới, UBND TPHCM sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao Ban Quản lý Đường sắt đô thị trong quá trình triển khai dự án. Tôi đề nghị các Sở ngành, các đơn vị có liên quan tiếp tục tập trung cao độ các nguồn lực, khẩn trương hỗ trợ Ban Quản lý Đường sắt đô thị sớm đưa tuyến tàu điện ngầm số 2 về đích theo kế hoạch đề ra”- ông Bùi Xuân Cường chỉ đạo.
Dự án tàu điện ngầm số 2 TPHCM (Bến Thành - Tham Lương) có tổng mức đầu tư gần 47.900 tỷ đồng, tổng chiều dài 11,042 km (trong đó đoạn tuyến đi ngầm dài khoảng 9,091 km; đoạn tuyến đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 1,951 km); điểm đầu tại ga Bến Thành (quận 1), điểm cuối tại depot Tham Lương (quận 12) bao gồm 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot.
Công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án đến nay đạt 86,69% (508/586 trường hợp đã bàn giao mặt bằng). Trong đó, 4/6 quận (quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%).
Hiện nay vướng mắc chính là các trường hợp tại Quận 3 (66 trường hợp) liên quan đến đơn giá bồi thường, trong tháng 4/2023 đã được Chủ tịch UBND thành phố thành lập tổ công tác để tham mưu giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc này, và hiện nay các cơ quan liên quan (UBND quận 3, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND thành phố…) đang tập trung để xử lý đảm bảo hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án trong cuối năm 2023.
Dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2025.