Chia sẻ về tác động đối với ngành cà phê, cao cao, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam - cho biết, hiện châu Âu (EU) chiếm khoảng 45% trong tổng lượng trên dưới 1,6 - 1,7 triệu tấn cà phê Việt Nam xuất khẩu mỗi năm. Do đó, ngành cà phê Việt Nam sẽ phải tuân thủ quy định chống phá rừng, suy thoái rừng đã được Hội đồng châu Âu thông qua.
Theo ông Hải, nhiều năm qua diện tích cà phê Việt Nam ổn định từ 650.000 - 700.000 ha. Trong đó, Việt Nam có khoảng 1,3 triệu nông hộ trồng cà phê, diện tích phần lớn chỉ từ 0,5 ha trở xuống.
Số diện tích này thực tế là hợp pháp, không phải trồng trên đất do phá rừng, suy thoái rừng. Tuy nhiên, việc chứng minh nguồn gốc theo quy định không phải dễ.
“Trường hợp bị siết chặt, việc chứng minh nguồn gốc đất trồng cà phê ảnh hưởng không nhỏ. Song đây cũng là cơ hội của ngành hàng cà phê Việt Nam để khẳng định uy tín, xây dựng thương hiệu”, ông Hải nói và đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh việc phổ biến các quy định, cảnh báo tới người dân và doanh nghiệp để các đơn vị chuẩn bị, bởi thời gian không còn nhiều khi quy định này sẽ được EU áp dụng cuối năm 2024.
Cà phê trồng tại rừng có dấu hiệu bị chặt phá sẽ không được xuất khẩu vào EU. |
Ông Nguyễn Minh Họa - Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam - cho rằng, ngành điều Việt Nam khả năng không bị ảnh hưởng nhiều từ quy định này do diện tích điều nhiều năm qua luôn ổn định, không phát sinh diện tích mới từ việc phá rừng.
Tuy nhiên, vấn đề là lượng điều thô Việt Nam nhập từ Campuchia và châu Phi khá nhiều. Do đó, nếu các nước này cũng vướng phải quy định "chống phá rừng", ít nhiều việc xuất khẩu điều Việt Nam vào châu Âu sẽ bị ảnh hưởng.
"Sau châu Âu, có thể sẽ đến Mỹ, Nhật, Hàn... thậm chí Trung Quốc áp dụng quy định này theo hướng nghiêm ngặt hơn. Do đó, Việt Nam bắt buộc phải tuân theo quy định các nước, chúng ta phải sớm hành động chứ không thể đứng ngoài cuộc", ông Họa nói.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết đã thông báo cho các doanh nghiệp về quy định mới của EU. Theo đó, hiệp hội đánh giá các sản phẩm nội, ngoại thất hoặc các loại ván công nghiệp, các sản phẩm khác nữa là các mặt hàng bị điều tiết bởi quy định này.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam không còn tình trạng chuyển đổi đất rừng tự nhiên. Còn những trường hợp chuyển đổi bất hợp pháp không có sản phẩm gỗ xuất sang EU. Quy định mới sẽ không quá gây khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ.
Dù vậy, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cũng lưu ý, với quy định mới này sẽ khiến các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ có thêm nhiều việc phải làm. Doanh nghiệp phải tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và phải truy xuất nguyên liệu gỗ mà doanh nghiệp sử dụng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng đối với sản xuất nông sản, trong đó có cà phê vừa thách thức, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam cấu trúc lại các mặt nông sản để phát triển bền vững. Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm nông sản là đòi hỏi tất yếu từ thị trường.
Ông Hoan yêu cầu Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ NN&PTNT sớm trình khung hành động để thực hiện quy định. Trong khung hành động cần phải đẩy mạnh truyền thông để các cơ quan chức năng và nông dân hiểu rõ quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng khi sản xuất nông sản. Đặc biệt, nội dung phải phân định rõ ràng trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, chính quyền các cấp và người dân.