Số liệu từ Bộ Công Thương cho hay, trong tháng 10/2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản ước đạt 2,11 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ. Trong đó, một số mặt hàng trong nhóm hàng nông, thủy sản ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019. Điển hình như: Thủy sản tăng 0,8%, cà phê tăng 3,6%, hạt tiêu tăng 16,8%, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 14,2%, cao su tăng 6,7%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng khác lại giảm như: Rau quả giảm mạnh 22,2%, gạo giảm 22,5%, hạt điều tăng 13,9% về lượng nhưng giảm 2,4% về kim ngạch.
Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch nhóm hàng này ước đạt 20,3 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 2,5%; rau quả giảm 12,5%; hạt điều giảm 3,4% (lượng tăng 11,5%); cà phê giảm 0,7% (lượng giảm 1,3%); hạt tiêu giảm 15,2% (lượng giảm 4,6%).
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA, như Hiệp định EVFTA, sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,65 triệu tấn cà phê, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu 2,86 tỷ USD, trong đó EU là thị trường tiêu thụ cà phê xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với thị phần 37,9% tính theo giá trị xuất khẩu.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc xuất khẩu cà phê tăng trở lại phản ánh thị trường đang trên đà phục hồi sau khoảng thời gian bị tác động giảm cầu vì dịch bệnh. Việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 cũng góp phần giúp các DN trong nước được hưởng lợi. Điển hình như ngày 16/9/2020, lô hàng cà phê đáp ứng tiêu chuẩn của EVFTA đầu tiên (296 tấn) mới được Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu sang EU - cho thấy EVFTA bước đầu đã có tác động tích cực tới xuất khẩu của ngành hàng này.
Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, các sản phẩm được hưởng lợi theo EVFTA là cà phê chế biến. Trước EVFTA, mức thuế áp dụng với cà phê chế biến nằm trong biên độ 7,5 - 11,5%, do đó với việc các mặt hàng này được giảm thuế ngay về 0% sẽ là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp.
Để tận dụng các ưu đãi thuế, cà phê nhân xanh xuất khẩu sang EU theo nguyên tắc của EVFTA cần đáp ứng quy tắc xuất xứ thuần túy, tức là 100% phát triển từ vùng nguyên liệu nằm tại Việt Nam. Trong khi đó cà phê chế biến lại cần đáp ứng yêu cầu về gia công chế biến sâu (sử dụng kỹ năng đặc biệt, máy móc, thiết bị chuyên dụng,..) và không nằm trong danh sách liệt kê các các công đoạn gia công, chế biến đơn giản của EVFTA (ví dụ: công đoạn bóc vỏ, trích hạt và tách vỏ quả, hạt được xem là công đoạn chế biến đơn giản, chưa phải là chế biến sâu).
Bên cạnh đó, hoạt động gia công, chế biến nêu trên cần phải thực hiện tại lãnh thổ của nước thành viên. Thêm vào đó, tương tự với nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm khác; cà phê cần đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm (SPS).
Thống kê của Hiệp hội cà phê ca cao cho thấy, tại thị trường EU, phần lớn kim ngạch đến từ cà phê nhân xanh nên để được hưởng lợi về thuế suất theo EVFTA các doanh nghiệp phải có nhà máy chế biến sâu. Nắm bắt được yêu cầu của thị trường, thời gian qua nhiều doanh nghiệp như CTCP Vinacafe Biên Hòa, CTCP Tập đoàn Intimex, CTCP Tín Nghĩa… đã đầu tư lớn cho chế biến sâu.
Cùng với sự đầu tư của doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ tại nước ngoài thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán... để doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh chưa thể thực hiện được xúc tiến thương mại truyền thống, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hình thức xúc tiến thương mại theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá hình ảnh sản phẩm xuất khẩu của ta tới các nước đối tác.