Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường khu vực Bắc Âu cho biết, để thực hiện Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030, mới đây Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thoả thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm trong trường hợp chúng được coi là góp phần thúc đẩy nạn phá rừng.
Theo dự luật mới, các sản phẩm nằm trong danh sách bị cấm gồm dầu cọ, gia súc, đậu nành, cà phê, ca cao, gỗ và cao su, được xác định là những yếu tố thúc đẩy nạn phá rừng nếu có xuất xứ từ vùng đất rừng bị tàn phá.
Theo đó, các công ty nhập khẩu sẽ phải chứng minh sản phẩm không liên quan đến hoạt động phá rừng và thông tin địa lý chính xác về vùng đất xuất xứ của sản phẩm.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đảm bảo rằng sản phẩm của họ không trồng từ nơi có rừng bị phá hoặc suy thoái.
Theo quy định mới, cà phê trồng tại vùng đất có rừng bị phá hoặc suy thoái sẽ không được xuất khẩu vào thị trường EU. |
Chẳng hạn, quy định mới nhất của EU yêu cầu các công ty bán cà phê ở EU thu thập tọa độ định vị của trang trại sản xuất cà phê ở các nước xuất khẩu. Đề xuất này yêu cầu dán nhãn các quốc gia trồng cà phê là có rủi ro thấp hoặc rủi ro cao. Cà phê từ các vùng có rủi ro cao phải đáp ứng các yêu cầu thẩm định nhiều hơn so với các vùng có rủi ro thấp.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, trong bối cảnh EU thay đổi chính sách, các doanh nghiệp Việt đòi hỏi phải đầu tư công nghệ để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc, quan tâm đến môi trường, và đáp ứng quy định về sản phẩm không nằm trong vùng đất liên quan đến phá rừng. Đây là những quy định quan trọng và được EU kiểm tra rất chặt trong thời gian tới.
Hiện, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của việt Nam sang EU gồm cà phê, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hàng thủy sản, hạt điều; cao su, chè....