Theo Bộ NN&PTNT, trong 10 tháng của năm nay, ngành nông nghiệp tăng trưởng với tốc độ khoảng 3%; năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhiều sản phẩm chủ lực tăng mạnh, duy trì vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.
Cụ thể, trong tháng 10, xuất khẩu ước trên 4,5 tỷ USD (tăng 13,5% so với tháng 9). Trong đó, nhóm nông sản chính đạt trên 2 tỷ USD, lâm sản chính gần 1,3 tỷ USD, thủy sản 900 triệu USD và chăn nuôi 35 triệu USD…
Tính chung 10 tháng, xuất khẩu ước đạt gần 45 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt gần 19 tỷ USD, (tăng hơn 7%); lâm sản chính khoảng 14,4 tỷ USD (tăng 11%); thủy sản đạt 9,4 tỷ USD (tăng 33%); chăn nuôi 327 triệu USD (giảm gần 9%); đầu vào sản xuất gần 2 tỷ USD (tăng 45%).
Đặc biệt, đến nay có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.
Xuất khẩu nông sản đạt kết quả ấn tượng, giúp ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. |
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu các sản phẩm nông, lâm thuỷ sản trong 10 tháng đạt hơn 37 tỷ USD (tăng gần 6%), đưa giá trị toàn ngành xuất siêu 7,7 tỷ USD (tăng 84%).
Lý giải về việc vì sao xuất khẩu nông sản tiếp tục tăng mạnh, Bộ NN&PTNT cho biết, hạn hán tại Trung Quốc ảnh hưởng đến sản xuất là cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này; lạm phát tại châu Âu, chiến sự tại Ukraine, biến đổi khí hậu làm trầm trọng vấn đề về an ninh lương thực. Châu Âu đã xây dựng kế hoạch "làn đường đoàn kết” để thuận lợi cho việc giao thương nên xuất khẩu sang thị trường này dần chuyển biến tích cực nhưng yêu cầu của nhà nhập khẩu ngày càng cao, chi phí logitics lớn...
Đặc biệt trong tháng 10, quả bưởi tươi của Việt Nam trở thành loại trái cây thứ 7 được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Với sự mở rộng thị trường cho nhiều mặt hàng tiềm năng, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu từ năm đến cuối năm, xuất khẩu các sản phẩm của ngành đạt khoảng 53 - 54 tỷ USD.