Hàng năm cứ vào độ tháng 9, 10 (âm lịch), người dân ở các huyện Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, Nghi Xuân lại ra đồng để bắt rươi. Đây là một loài đặc sản, người dân gọi là rồng đất, thường sinh sống ở môi trường nước mặn hoặc nước lợ. |
Tại xã Yên Hồ (huyện Đức Thọ) trở nên nhộn nhịp khi người dân kéo nhau ra những cánh đồng ven sông La để bắt rươi. |
Theo người dân, rươi chỉ xuất hiện một tháng khoảng 2 đợt, vào hôm triều cường, mỗi đợt rươi nổi lên vài ngày. Hầu như những đợt này rươi nổi lên vào ngày đầu tháng hoặc cuối tháng. |
Thời điểm rươi nổi lên mặt nước nhiều nhất là từ 19h-21h. Để đón trước mùa rươi, nhiều người dân tìm cách khoanh vùng đầm, ruộng nước bằng hệ thống lưới rào chắc chắn. |
Để bắt được nhiều rươi hơn, người dân cải tiến và sử dụng hệ thống lưới. Đối với những khu vực hệ thống ao hồ, khi thấy rươi nổi, người dân chỉ cần mở cống nước và giăng lưới. |
Ông Ngô Ngọc Hân - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Thọ cho biết, mỗi sào ruộng người dân có thể thu hoạch từ 20-30kg rươi. Giá rươi rất cao, có thời điểm cao nhất có giá từ 600.000-700.000 đồng/kg. Vì thế vào chính vụ người dân đổ xô đi săn bắt để kiếm thêm thu nhập. |
Người dân xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân) cũng đội đèn đi bắt rươi. Theo thống kê toàn xã có khoảng 5 ha diện tích ruộng rươi lúa kết hợp của hơn 50 hộ dân. |
Rươi được bán với giá 400.000-700.000 đồng/kg. Nếu may mắn, trong một đêm, mỗi gia đình có thể bắt được 10-20kg rươi, thu về khoảng 5-10 triệu đồng. |
Năm nay rươi được đánh giá ít hơn so với năm trước, tuy nhiên nhờ giá trị cao nên người dân thu nhập khá. |
Rươi được chế biến thành rất nhiều món ngon khác nhau. Đa số người ăn đều quen thuộc với món chả rươi, ngoài ra còn có rươi kho, rươi nấu canh măng, rươi cuốn lá lốt, rươi rang muối. |