Ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội |
Khơi thông nguồn lực, giải quyết những ách tắc, quá tải
Trao đổi với Tiền Phong về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54), ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, qua gần 3 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, bối cảnh kinh tế - xã hội của TP.HCM đang đứng trước nhiều khó khăn. Trong đó, tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước của Thành phố có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.
Ngoài ra, sau quá trình tăng trưởng "nóng", nhiều vấn đề xã hội phát sinh nhưng chưa được giải quyết triệt để, thấu đáo như giao thông quá tải và ùn tắc; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng; nhà ở, bệnh viện, trường học, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân,… Năng lực cạnh tranh của Thành phố so với các địa phương khác trong cả nước và so với các thành phố trong khu vực và trên thế giới còn những điểm hạn chế, khó bứt phá.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố (thay thế Nghị quyết 54) là hết sức cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại, đồng thời tạo đột phá, khơi thông nguồn lực, kiến tạo để Thành phố phát triển, có tính lan tỏa, tác động sâu rộng cho cả vùng, cả nước.
Theo ông Hiển, từ trước đến nay, TP.HCM luôn là địa phương đi đầu trong việc đề xuất và thực hiện các mô hình thí điểm, làm thử mang tính tiên phong của cả nước như mô hình Khu chế xuất Tân Thuận. Việc thí điểm thành công đã mở đường cho việc nhân rộng mô hình này trên địa bàn cả nước, đồng thời tạo cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng, hoàn thiện định chế này trong các đạo luật về đầu tư, doanh nghiệp...
Hay trong cải cách hành chính, cơ chế "Một cửa" và sau này được bổ sung thành "Một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính khởi đầu từ sự tìm tòi sáng tạo của Thành phố đã được khẳng định là đúng, hiện đang được áp dụng chung cho các cơ quan hành chính nhà nước ở tất cả các cấp chính quyền trong cả nước… Bên cạnh đó, phát huy khả năng và tính chủ động tích cực của mình, Thành phố cũng đã và đang tổ chức triển khai nhiều mô hình thí điểm theo chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ, nổi bật là việc thí điểm mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Việc ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM khơi thông điểm nghẽn, giải quyết những vấn đề "nóng" về giao thông |
Thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm
Ông Hiển cho rằng, việc TP.HCM mạnh dạn đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển lần này đã thể hiện tinh thần “dám nghĩ, dám làm” và điều này được thể hiện khá rõ nét qua từng chính sách cụ thể.
"Nếu được Quốc hội xem xét thông qua, Nghị quyết sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Thành phố giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, những vướng mắc về cơ chế, thủ tục, cũng như triển khai những mô hình mới, cách làm hiệu quả theo đúng tinh thần khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mà Đảng ta đã đề ra", ông Hiển bày tỏ.
Theo ông, mục tiêu của các chính sách một mặt nhằm phát huy sự năng động, sáng tạo, khai thác triệt để, có hiệu quả nhất các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược của Thành phố. Mặt khác cũng phù hợp và đồng bộ với mục tiêu của các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của vùng Đông Nam Bộ, bảo đảm tinh thần "Thành phố vì cả nước, cả nước vì Thành phố", là "hạt nhân, cực tăng trưởng của Vùng".
Trong bối cảnh hệ thống pháp luật trong trạng thái động, để bảo đảm quy định của nghị quyết không bị vô hiệu hóa bởi các quy định của các luật được ban hành sau, ông Hiển đề nghị cần có quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật. Theo đó, trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì ưu tiên áp dụng quy định của Nghị quyết cho Thành phố; ngoại trừ trường hợp việc áp dụng các quy định đó là có ưu đãi, thuận lợi hơn thì việc áp dụng hoặc không áp dụng trong trường hợp này do chính quyền Thành phố quyết định.