Động lực mới cho 'đầu tàu' kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dự thảo cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho TPHCM dù mới trình, chưa bước vào phiên thảo luận, nhưng đã sớm nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu bên lề hành lang Quốc hội, sáng 26/5.

Từ năm 2011-2019, kinh tế TPHCM luôn đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 10%/năm. GDP của thành phố chiếm khoảng 23% GDP của cả nước và đóng góp trên 30% tổng thu ngân sách nhà nước…

Tuy nhiên, gần đây, động lực đổi mới phát triển kinh tế của TPHCM đã dần chậm lại. Ngoài những nguyên nhân khách quan từ tác động của tình hình thế giới và khu vực, còn có lý do từ sự chật chội của “chiếc áo” cơ chế; cộng với một bộ phận cán bộ, công chức thành phố không dám nghĩ, dám làm, né tránh, đùn đẩy công việc, khiến nhiều “điểm nghẽn” không được khơi thông, giải quyết. Hệ quả, quý I/2023, tăng trưởng kinh tế của TPHCM chỉ ở mức 0,7%, kéo theo tăng trưởng kinh tế của cả nước chậm lại, đạt 3,32%... Thực trạng này không chỉ khiến người dân TPHCM quan tâm mà người dân cả nước cũng băn khoăn, trăn trở.

Nói đến TPHCM là nói đến truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức. Trước và sau đổi mới, TPHCM luôn là nơi đi đầu trong thực hiện các cuộc thử nghiệm về cơ chế, chính sách, thậm chí là “phá rào”, và sau đó thành công, được nhân rộng ra cả nước… vậy nhưng gần đây, tinh thần năng động, sáng tạo đó đang bị chững lại trong một bộ phận cán bộ, công chức, cần được chấn chỉnh, đổi mới, tiếp thêm động lực.

Theo nhiều đại biểu, TPHCM xin tiên phong thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cũng xuất phát từ sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bởi thêm chính sách là thêm công việc, thêm rủi ro cho những người thực hiện… Ví như việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư hình thức BOT, BT, PPP, sau một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, mấy năm trở lại đây bị “đóng băng”… Nay dự thảo nghị quyết đề xuất cho phép TPHCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu không chỉ “đánh thức” lại phương thức đầu tư này, mà còn giúp thành phố tháo gỡ điểm nghẽn lớn nhất hiện nay về hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, việc cho phép HĐND thành phố có thẩm quyền quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn cũng bảo đảm tính thực tiễn cao hơn, trước những biến động về dân cư, tránh tình trạng cào bằng.

MỚI - NÓNG