Phân cấp, phân quyền, cần đề cao trách nhiệm
Sáng 26/5, Chính phủ chính thức trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, dự thảo đưa ra 27 cơ chế chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa. “Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho Thành phố mà còn tạo điều kiện cho Thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước”, ông Dũng cho hay.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh lưu ý, đi đôi với việc tăng cường phân cấp, phân quyền, cần đề cao trách nhiệm; song cũng rất cần có cơ chế bảo vệ, khuyến khích người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu chung.
“Hiện nay Bộ Nội vụ được giao xây dựng Đề án triển khai thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, chọn Thành phố Hồ Chí Minh làm thí điểm”, ông Mạnh cho hay, đồng thời đề nghị lưu ý chỉ đưa vào Nghị quyết những chính sách đã rõ về căn cứ thực tiễn, rõ về nội hàm, không quy định vấn đề chưa rõ, tránh vướng mắc trong triển khai.
Điểm đáng lưu ý, dự thảo Nghị quyết quy định một số vấn đề không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Về việc này, cơ quan thẩm tra đề nghị không quy định những quy định này, như thẩm quyền quyết định bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường…
Cũng liên quan đến vấn đề bộ máy, Dự thảo quy định việc thành lập Sở An toàn thực phẩm. Về nội dung này, ông Mạnh cho biết, đa số ý kiến cho rằng, cần thuyết minh về sự cần thiết và tính hợp lý, cần bảo đảm không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các Sở.
Ngoài ra, theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII thì: Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế; trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị.
Do đó, nếu việc thành lập Sở An toàn thực phẩm làm tăng đầu mối thì phải có ý kiến của Bộ Chính trị.
“Có ý kiến cho rằng, căn cứ thành lập là chưa thuyết phục, đồng thời chưa phù hợp với yêu cầu cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh giản”, ông Mạnh cho hay.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh |
Thu nhập tăng thêm: không quá 1,8 hay 0,8 lần?
Về số lượng Phó Chủ tịch UBND huyện, phường, xã, thị trấn, Dự thảo Nghị quyết quy định: UBND huyện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh có không quá ba Phó Chủ tịch. UBND phường, xã, thị trấn có từ 50.000 người trở lên có không quá ba Phó Chủ tịch.
Theo ông Mạnh, đa số ý kiến cho rằng, Thành phố có đặc thù riêng, mật độ dân số cao. Do vậy, để tăng cường hiệu quả quản lý thì việc tăng số lượng cấp phó là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế để giải quyết những khó khăn hiện nay do thiếu lãnh đạo quản lý.
“Có ý kiến đề nghị cân nhắc vì chưa phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đó là giảm số lượng cấp phó”, ông Mạnh cho hay.
Về chi thu nhập tăng thêm, đa số ý kiến nhất trí với quy định như Dự thảo Nghị quyết về chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn, người lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ quy định ở mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.