Theo đó, một số ý kiến cho rằng, tính từ lúc tăng lương vào thời điểm tháng 7/2019 cho đến tháng 7/2023 theo dự kiến tới đây là 4 năm. Như vậy người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành giáo dục, y tế, kể cả cán bộ, công chức cấp xã.
Trên cơ sở đó, 11 đại biểu Quốc hội phản ánh, mong muốn của người hưởng lương là kiến nghị Chính phủ cần cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương sớm hơn từ ngày 1/1/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị lưu ý việc điều chỉnh tăng trợ cấp cho người có công cần bảo đảm cao hơn chuẩn nghèo đô thị.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc thực hiện tăng lương cơ sở năm 2023 là cần thiết, nhưng cũng cần điều chỉnh trợ cấp bảo trợ xã hội ở mức cao hơn do hiện tại, mức hỗ trợ (360.000 đồng/người/ tháng) còn khá thấp so với mức chuẩn nghèo ở thành thị và nông thôn và cũng điều chỉnh từ ngày 1/7/2023 để bảo đảm tính thống nhất .
Bên cạnh đó, có ý kiến nhất trí tăng lương tối thiểu, tuy nhiên đề nghị không tăng đồng đều, chỉ tăng cho bộ phận lương thấp, đồng thời phải có đánh giá lại mức sống cơ bản, mức sống tối thiểu theo vùng miền, khu vực. Đề nghị xem xét không tăng lương cơ sở đối với những đơn vị, địa phương có cơ chế đặc thù.
Có ý kiến đại biểu đề nghị tăng phụ cấp của cán bộ không chuyên trách cấp xã do mức hỗ trợ hiện tại chưa tạo được sự động viên cho người thực hiện nhiệm vụ; làm rõ các cơ quan thanh tra nhà nước có được điều chỉnh tăng lương cơ sở hay không.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, cần xác định thời gian cụ thể thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2024 trong Nghị quyết của Quốc hội, tránh tình trạng trì hoãn, kéo dài việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương.
Theo dự kiến chương trình, trong hai ngày 27 –28/10, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến năm 2023, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán năm 2023.