Làm rõ nguyên nhân thiếu nhân lực, thuốc, thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 9/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Y tế về tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lí, đầu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế…

Theo Phó Thủ tướng, nhiều cơ chế, chính sách trước đây đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, tồn tại sau khi “cơn bão” COVID-19 đi qua. Mô hình tự chủ bệnh viện vốn là điểm sáng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không còn phù hợp. Công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, xã hội hoá trong cơ sở y tế công lập… nảy sinh những vấn đề không lường trước được. Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế "xốc lại với quyết tâm mới, một tinh thần làm việc, công hiến tận tụy", làm rõ nguyên nhân tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, giải ngân vốn đầu tư công, từ đó xác định những vấn đề cần giải quyết cấp bách hoặc xử lí một cách căn cơ, bài bản.

Làm rõ nguyên nhân thiếu nhân lực, thuốc, thiết bị y tế ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tập hợp ý kiến của các địa phương, cơ sở y tế nhằm đưa hết các vấn đề vướng mắc vào những nghị định, thông tư đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung; nghiên cứu, đề xuất phương án “một luật sửa nhiều luật” hoặc “một nghị định sửa nhiều nghị định” đối với những vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ ngay thay vì “ngồi chờ sửa toàn diện”; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đang chủ trì xây dựng những luật có liên quan đến lĩnh vực y tế. Đồng thời, sớm đề xuất, chủ động xây dựng nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện luật phù hợp với chuyên môn, đặc thù của ngành y tế.

Về tự chủ bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế tổng kết, đánh giá toàn diện các mô hình đã có, làm cơ sở để tiếp tục triển khai chủ trương này cùng với thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và các chính sách khuyến khích xã hội hóa y tế, hợp tác công - tư… Phó Thủ tướng nói rằng, tự chủ bệnh viện phải bảo đảm công bằng, bình đẳng của người bệnh khi sử dụng dịch y tế được bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám chữa bệnh theo yêu cầu; bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập của y bác sĩ; phù hợp với quy luật thị trường. Bộ Y tế cần thúc đẩy tự chủ bệnh viện mức độ cao tại những đô thị, địa bàn có điều kiện về kinh tế để dành nguồn lực cho các bệnh viện vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn.

Gia hạn gần 8.880 thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế

Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) vừa có quyết định gia hạn gần 8.880 thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế. Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin và sinh phẩm y tế này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Đây là đợt gia hạn đầu tiên của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.

Việc gia hạn giúp khắc phục tình trạng thiếu thuốc cung ứng cho các cơ sở điều trị đảm bảo quyền lợi người bệnh. Năm 2022, hàng ngàn thuốc hết hạn số đăng ký nhưng chưa kịp thời được thẩm định, gia hạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, do đó các đơn vị cung ứng không thể tham gia đấu thầu, các bệnh viện bị thiếu hụt thuốc khiến nhiều người bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc điều trị.

Tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 9/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề xuất cho phép xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù dự trữ một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho ý kiến về hướng tháo gỡ khó khăn cho dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức một cách “khả thi, linh hoạt”, chứ không chỉ “làm theo đúng quy trình, hết trách nhiệm”; xây dựng tiêu chí chặt chẽ, cải cách thủ tục để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…

MỚI - NÓNG