Theo đơn tập thể của người dân gửi báo Tiền Phong, sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, nhiều người có nhu cầu đi XKLĐ, qua tìm hiểu thông tin, được biết Cty Thuận Thành (địa chỉ số 47- TT5, khu liền kề VOV, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) có đơn hàng đưa người đi XKLĐ Đài Loan với chi phí thấp hơn nhiều so với Cty khác, nên nhiều người tin, đóng tiền đặt cọc để được đi XKLĐ.
Văn phòng Cty Thuận Thành |
Anh LQH, quê ở Bắc Giang, người đứng đơn cho biết, ngoài mấy chục người cùng tỉnh Bắc Giang mà anh biết, còn hàng trăm người ở các vùng miền trên cả nước cũng vướng vào Cty Thuận Thành.
“Tư vấn cho khách hàng, đại diện phía Cty Thuận Thành hứa, nếu ngoài 3 tháng người lao động không xuất cảnh được sẽ hoàn trả toàn bộ tiền đặt cọc và hồ sơ. Còn trường hợp trước 3 tháng, khách hàng không có nhu cầu XKLĐ nữa, muốn hủy hợp đồng, Cty sẽ trả lại hồ sơ, tiền cọc và chỉ bị phạt 100 USD, nhưng đến nay toàn thất hứa”, anh LQH nói.
Với những lời hứa chắc nịch của nhân viên, mỗi người đã trực tiếp đóng vào Cty Thuận Thành 1.000 USD. Khi thời gian cam kết đã hết, không thấy phía doanh nghiệp thông báo xuất cảnh, người lao động tá hỏa gọi điện nắm thông tin, thì được nhân viên ở đây trả lời: Cty chưa hoàn thành các thủ tục, người lao động cố chờ thêm một thời gian. Chờ đợi nhiều tháng không có phản hồi, người lao động tiếp tục liên hệ đến Cty và lần này họ được nhân viên cho biết, đơn hàng bị hủy và hướng dẫn người lao động đến Cty lấy giấy hẹn trả lại tiền cọc, cùng hồ sơ. Đến hẹn, người lao động đến nhận tiền, lại nhận được câu trả lời của nhân viên là chưa có tiền và tiếp tục viết giấy hẹn.
Trước phản ánh của lao động, phóng viên đến làm việc với Cty Thuận Thành, thì doanh nghiệp này cử một người tên Quang, giới thiệu mới nhậm chức trợ lý giám đốc được 2 ngày, ra cung cấp thông tin.
Việc công ty không trả tiền cọc cho người lao động, được ông Quang giải thích, do bị đối tác phía Đài Loan lừa, nên chưa xoay được tiền trả người lao động. Trong khuôn viên Cty, có rất nhiều người mặc áo rằn ri để thị uy với những lao động đến đòi tiền.
Ôm cục nợ
Tại thời điểm phóng viên đến văn phòng Cty Thuận Thành, ở đây vẫn còn một số người từ các tỉnh Nghệ An, Tây Ninh cầm theo giấy hẹn đến nhận tiền đặt cọc, nhưng không lấy được. Chị Nguyễn Thị Thu Sương (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), đã nộp 1.000 USD cho Cty Thuận Thành, nhưng chờ mãi không được làm thủ tục xuất cảnh.
Cuối cùng, chị được doanh nghiệp này gửi giấy hẹn ra Hà Nội nhận lại tiền cọc. Đến hẹn chị bắt xe khách ra Hà Nội, đến văn phòng Cty thì nhân viên thông báo chưa có tiền và tiếp tục viết cho chị thêm một giấy hẹn khác.
Chị Sương cho biết, muốn cho con có việc làm, thu nhập tốt, kiếm chút vốn xây dựng tương lai, mẹ chị đã cầm cố căn nhà đang ở lấy tiền cho chị đi học tiếng và nộp tiền đặt cọc.
“Tiền lãi vay mẹ tôi vẫn phải trả hằng tháng, còn tôi không được xuất cảnh, thu nhập không có và trở thành gánh nặng của gia đình. Đúng hẹn tôi phải đi vay thêm mấy triệu đồng làm lộ phí ra Hà Nội để nhận tiền cọc, nhưng bị thất hứa. Kiểu này tôi lại phải vay tiền để bắt xe về quê. Tôi thực sự quá đau buồn. Cứ thế này, vài lần đi ra, đi vào hết luôn 1.000 USD đã đặt cọc, không còn tâm trạng đâu mà ăn Tết”, chị Sương buồn bã nói.
Để nắm rõ thông tin về Cty Thuận Thành, phóng viên đã làm việc với ông Nguyễn Như Tuấn, Phó Trưởng phòng Thông tin và Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và được biết, Cty Thuận Thành không có giấy phép XKLĐ.
“Doanh nghiệp này tự ý ký hợp đồng XKLĐ, thu tiền đặt cọc của người dân là vi phạm pháp luật”, ông Nguyễn Như Tuấn khẳng định.