Lý do hàng loạt sinh viên 'sập bẫy' đa cấp biến tướng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo đại diện Bộ Công Thương, khi tham gia, các đối tượng trong đường dây sẽ dùng thủ thuật lôi kéo, giới thiệu một cách hào nhoáng về các dự án vượt trội về thời đại, hoặc cộng tác với các tỷ phú, doanh nhân xuất sắc trên thế giới. Thậm chí, để tăng sự thuyết phục, các đối tượng này còn vẽ ra những “chim mồi” được quảng cáo đi từ gia cảnh nghèo khó đến thành công, đánh vào tâm lý mong kiếm tiền nhanh, sớm đổi đời của sinh viên.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ sinh viên - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự tham dự của gần 500 sinh viên trường Đại học Tự nhiên và Đại học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Ông Phạm Văn Cao, Phó trưởng phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) cho biết, sinh viên là đối tượng dễ bị lôi kéo vào các đường dây đa cấp bất chính.

Thời gian qua, nhiều vụ sinh viên mắc bẫy đa cấp biến tướng đội lốt dưới các hình thức như làm giàu, khởi nghiệp… dẫn tới bỏ bê học hành và rơi vào vòng xoáy nợ nần, lừa đảo tạo ra những hệ lụy tiêu cực cho bản thân, gia đình và xã hội.

Lý do hàng loạt sinh viên 'sập bẫy' đa cấp biến tướng ảnh 1

Ông Phạm Văn Cao, Phó trưởng phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh chia sẻ tại chương trình

“Điển hình, mới đây hàng loạt sinh viên bỏ học, mất tích vì bị dụ dỗ vào đường dây lừa đảo “team khởi nghiệp 360” khiến các phụ huynh được một phen hú vía. Nguyên nhân chủ yếu do sinh viên chưa được trang bị những kiến thức để nhận diện những mô hình đa cấp biến tướng, dễ bị đánh vào máu làm giàu khi được quảng cáo thu nhập khủng”, ông Cao chia sẻ.

Theo ông Cao, hiện Bộ Công Thương chỉ cấp phép cho 20 doanh nghiệp bán hàng theo hình thức đa cấp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đa cấp bất chính thời gian qua nở rộ gấp nhiều lần, trá hình sang các lĩnh vực như giáo dục, gian hàng, bất động sản, tiền ảo, forex…

“Những đơn vị này có biểu hiện như yêu cầu người bán hàng phải đặt cọc tiền hoặc nộp tiền tham gia, bắt buộc mua hàng hoặc bán hàng không có giá trị thực. Khi tham gia, các đối tượng trong đường dây sẽ dùng thủ thuật lôi kéo, giới thiệu một cách hào nhoáng về các dự án vượt trội về thời đại, hoặc cộng tác với các tỷ phú, doanh nhân xuất sắc trên thế giới.

Thậm chí, để tăng sự thuyết phục, các đối tượng này còn vẽ ra những “chim mồi” được quảng cáo đi từ gia cảnh nghèo khó đến thành công, đánh vào tâm lý mong kiếm tiền nhanh, sớm đổi đời của sinh viên”, ông Cao nói.

Lý do hàng loạt sinh viên 'sập bẫy' đa cấp biến tướng ảnh 2

Chương trình thu hút sự quan tâm của hàng trăm sinh viên

Để tránh những hệ lụy từ các mô hình đa cấp biến tướng, ông Cao cho rằng, sinh viên cần nghiên cứu kỹ các thông tin khi được chào mời tham gia các hình thức bán hàng, kiểm tra xem các doanh nghiệp, sản phẩm có được cơ quan chức năng cấp phép hay không.

“Đặc biệt, đối với những đơn vị có biểu hiện hướng dẫn người tham gia cách vay mượn, cầm cố tài sản, cách nói dối và che giấu gia đình về hoạt động, sinh viên cần tránh xa. Khi phát hiện những biểu hiện như vậy, sinh viên cần phản ánh với cơ quan có thẩm quyền, nhà trường để báo cáo, ngăn chặn vụ việc”, ông Cao chia sẻ.

Ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc Đối ngoại Amway Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có giấy phép hiện được quản lý chặt chẽ bởi Bộ Công Thương. Các thông tin, chương trình được công khai trên trang web của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, để tránh "sập bẫy" các mô hình đa cấp biến tướng, sinh viên cần tham khảo ý kiến và kiểm tra thông tin từ các cơ quan chức năng.

MỚI - NÓNG