Chiều 28/12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức họp báo để thông tin về tình hình triển khai cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, với 12 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, chỉ sau 12 tháng được Quốc hội thông qua chủ trương, Bộ GTVT đã hoàn thành thủ tục để khởi công. Theo ông Huy, với các dự án tương tự, thông thường sẽ mất 2 năm cho công tác chuẩn bị thủ tục. Các dự án này có số lượng thủ tục “khổng lồ”, kéo dài từ Bắc Trung Bộ tới Cà Mau.
“Các nhà thầu được chọn để chỉ định tham gia thi công 12 đoạn cao tốc lần này đều là các nhà thầu lớn về thi công xây dựng trong nước, có năng lực và kinh nghiệm”, ông Huy nói và cho biết các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng trong thi công các gói thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 sẽ bị loại, chắc chắn không được tham gia thi công gói thầu nào ở giai đoạn 2.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy thông tin với báo chí liên quan tới 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chuẩn bị khởi công. |
Ông Lê Quyết Tiến - Quyền Cục trưởng Quản lý Đầu tư xây dựng, Bộ GTVT - cho biết, Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 1/2022. Tới nay, các thủ tục chuẩn bị đầu tư, chọn nhà thầu đều hoàn thành, mặt bằng đạt 70% đủ điều kiện để khởi công theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ giao.
Chính phủ cũng lập Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, đứng đầu là Thủ tướng để chỉ đạo triển khai, kịp thời giải quyết vướng mắc. Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công trước Tết Nguyên đán Quý Mão.
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có tổng chiều dài 729km, chia thành 12 dự án thành phần, đi qua địa phận 12 tỉnh thành, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước. Mục tiêu dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026.
Dự án được áp dụng một số cơ chế đặc thù, như: Chỉ định thầu, giải phóng mặt bằng đồng thời với quá trình chuẩn bị đầu tư; triển khai đồng thời thủ tục rút gọn khảo sát, thiết kế, lập và thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật; rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ, giao trực tiếp các mỏ vật liệu cho nhà thầu thi công khai thác, nâng công suất các mỏ cát tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo kế hoạch, ngày 31/12 tới, Bộ GTVT cũng tổ chức khánh thành đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1). Đoạn cao tốc này dài hơn 98km nối Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, khởi công tháng 9/2019.
Cùng ngày, Bộ GTVT cũng tổ chức thông xe kỹ thuật 3 đoạn cao tốc hoàn thành trong năm nay, gồm: Mai Sơn - QL45 (dài hơn 63km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài hơn 100km) và Phan Thiết - Dầu Giây (dài hơn 99km). Các dự án này sẽ đưa vào khai thác trước 30/4/2023.
Chính phủ đặt mục tiêu, đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Hiện, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 1.417km, giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục hoàn thành thêm khoảng 1.600 km.
Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 88km, tổng vốn đầu tư 20.470 tỷ đồng; Hoài Nhơn - Quy Nhơn dài 70km, tổng vốn đầu tư 12.401 tỷ đồng; Đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh dài 61,7km, tổng vốn đầu tư 14.802 tỷ đồng; Chí Thạnh - Vân Phong dài 48km, tổng vốn đầu tư 10.774 tỷ đồng; Vân Phong - Nha Trang dài 83km, tổng vốn đầu tư 11.808 tỷ đồng. Đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài 37,7km, tổng vốn đầu tư 10.371 tỷ đồng; Hậu Giang - Cà Mau dài 73km, tổng vốn đầu tư 17.153 tỷ đồng.